• :
  • :

Cần một án lệ nghiêm khắc vụ khủng bố nhà trường đòi tiền phụ huynh

Thời gian qua, xã hội liên tục xảy ra các vụ chủ nợ tìm cách khủng bố nhà trường để đòi tiền phụ huynh. Các hành vi này đang gây nguy hiểm cho nhiều người, cần phải xử lý nghiêm khắc.

Không thể để các đối tượng hả hê

Cụ thể, tại một trường học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, các đối tượng lạ mặt gọi điện nhờ cô giáo đưa học sinh về nhìn mặt bố lần cuối vì bố đang hấp hối, thực chất không có chuyện này xảy ra.

Không dừng lại ở đây, các đối tượng còn đặt hai bình gas đến khủng bố nhà trường rồi gọi điện đòi đốt trường, thậm chí, họ gọi xe cứu thương đến trường. Ngoài ra, tại trường Phan Đình Giót, Hà Nội, cũng ghi nhận đối tượng mạo danh phụ huynh đòi đón học sinh về gây lo lắng cho các bậc phụ huynh. Giả mạo người nhà học sinh không thành, chủ nợ đã đe dọa giáo viên và Ban giám hiệu nhà trường. Mục đích của đối tượng là gây sức ép, khủng bố tinh thần các phụ huynh khác để đòi nợ một phụ huynh.

Thế nhưng, với các hành vi trên, sự việc không còn là chuyện giữa 2 người (chủ nợ và con nợ).

Luật gia Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long bày tỏ, hành vi của các đối tượng trên gây nguy hiểm cho xã hội. Hành vi này có thể đã cấu thành tội đe dọa giết người theo điều 133 Bộ luật Hình sự 2015. Trong đó, chúng ta cần chú ý một số góc độ như:

Góc độ khách thể của tội phạm. Hành vi trên đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng của công dân. Nhất là ở đây, hành vi này có nguy cơ xâm phạm tới nhiều người, trong đó có trẻ em.

Về mặt chủ quan của tội phạm. Rõ ràng ở đây, các đối tượng hoàn toàn ý thức được việc làm của mình gây nguy hiểm cho xã hội, và mong muốn khiến cho hậu quả xảy ra là nạn nhân lo sợ. Do đó, trong tình huống này, các đối tượng hoàn toàn có lỗi cố ý trực tiếp.

Về mặt khách quan, ở đây cần chú ý tới hành vi phạm tội rất nguy hiểm manh động. Bởi các đối tượng không chỉ dùng lời nói mà còn sử dụng bình gas. Đây là dụng cụ có tính sát thương cao cho nhiều người nếu như xảy ra trên thực tế.

Về mặt chủ thể của tội phạm, theo quy định của pháp luật, chủ thể của tội đe dọa giết người phải đủ 16 tuổi trở lên mới có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Luật gia Nguyễn Thu Trang nhấn mạnh, việc chủ nợ khủng bố nhà trường đòi tiền phụ huynh là cách đòi nợ mới nên cần xử lý hết sức nghiêm khắc. Bởi, xét ở góc độ tâm lý của đối tượng, họ có thể đang rất hả hê vì đạt được mục đích gây lo sợ cho con nợ để đòi tiền. Trên thực tế, có phụ huynh đã trả tiền các đối tượng.

Nếu như Nhà nước không có biện pháp xử lý mạnh, răn đe thích đáng để có các án lệ đủ mạnh trấn áp thì có thể tạo ra tiền lệ xấu. Từ đó, các đối tượng sẽ tiếp tục khủng bố nhiều nhà trường khác để gây sức ép đòi nợ phụ huynh.  

Cần xác định các đồng phạm

Đồng quan điểm về vấn đề này, Luật gia Nguyễn Gia Hải, Công ty Luật TNHH Thái Hà lưu ý thêm, hành vi khủng bố nhà trường đòi tiền phụ huynh của các đối tượng là rất nguy hiểm. Nếu xem xét xử lý hình sự cần mở rộng tìm các đồng phạm.

Theo đó, Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Trong đó, người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm; người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm; người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Luật gia Nguyễn Gia Hải bày tỏ thêm, trong xã hội, nhiều người nợ dai, nợ khó đòi. Vì vậy, việc đòi nợ giữa chủ nợ và người nợ là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, đòi nợ là một việc nhạy cảm đòi hỏi các bên phải kiềm chế không được hành động vượt quá giới hạn dẫn đến vi phạm các quy định của pháp luật.

Hơn nữa, trong vụ việc này, các bên không chỉ hành vi vượt quá mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều đối tượng trong đó có trẻ em và đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường giáo dục. Điều này là không thể chấp nhận được và cần phải xử lý một cách nghiêm khắc, thích đáng.