• :
  • :

Thiếu sách giáo khoa đầu năm học mới: Không để học sinh phải “học chay"

Câu chuyện thiếu sách giáo khoa đã diễn ra từ trước ngày tựu trường. Và đến nay, dù đã bắt đầu năm học mới được vài ngày nhưng nhiều nơi sách giáo khoa vẫn chưa đến tay học sinh và giáo viên. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm khi năm học mới, học sinh vẫn phải “học chay”? 

Thiếu sách giáo khoa đầu năm học mới: Không để học sinh phải “học chay

Minh họa của ĐAN

Chật vật tìm mua sách giáo khoa

Sau nhiều ngày lặn lội khắp các cửa hàng sách quanh khu vực sinh sống, chị Lê Phương Nga (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới có thể tìm đủ bộ SGK cho con.

“Con tôi năm nay học lớp 2 và lớp 10. Sách các con học được lựa chọn từ nhiều bộ sách nên hiện tại rất khó để tìm mua. Tôi phải đi gom từ rất nhiều nhà sách mới đủ bộ” - chị Nga nói.

Chị Vũ Như Huyền, phụ huynh có con vào lớp 10 ở quận Thanh Xuân cũng cho hay, khi con trúng tuyển lớp 10, gia đình đã đăng ký mua sách tại trường. Tuy nhiên, sát ngày đi học, cô giáo thông báo không có sách nên gia đình phải tự tìm mua. Dù đã đi 5, 6 hiệu sách nhưng đến hiện tại, con chị vẫn thiếu sách giáo khoa, sách bài tập môn Hóa học và môn Vật lý. 

“Để thuận tiện cho các cháu, nhà trường và giáo viên đã chủ động photo sách giáo khoa và in phiếu giao bài cho học sinh. Dù vậy, tôi vẫn mong con sớm nhận được sách giáo khoa để đảm bảo chất lượng dạy học. Đây cũng là nguyện vọng chung của các bậc phụ huynh và học sinh khác” - chị Huyền nói.  

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại tỉnh Vĩnh Phúc. Năm học mới đã bắt đầu, nhưng tại nhiều trường THPT học sinh lớp 10 vẫn chưa có đủ sách. Điều này gây nhiều bất tiện cho cả cô và trò, nhất là trong bối cảnh học sinh học chương trình mới, nội dung, kiến thức có nhiều sự thay đổi.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận thực tế, hiện nay xảy ra tình trạng thiếu SGK lớp 10 theo chương trình mới trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do sát đến năm học mới, Bộ GDĐT thông báo thay đổi Lịch sử từ môn lựa chọn thành môn học bắt buộc khiến các nhà trường phải thay phương án, tổ chức cho học sinh chọn lựa lại tổ hợp môn học. Việc cung ứng sách giáo khoa cũng vì thế mà chậm hơn tiến độ. Để khắc phục, thầy cô phải sử dụng tạm sách điện tử do Bộ GDĐT cung cấp.

“Chúng tôi đã rà soát, thống kê số lượng SGK còn thiếu và đang cố gắng liên hệ, làm việc với phía các nhà xuất bản, đảm bảo học sinh nhận đủ sách trong thời gian sớm nhất, trong vài ngày tới các em sẽ có đủ sách” - đại diện Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc thông tin.

Trách nhiệm thuộc về ai?

“SGK khan hiếm, học sinh không có sách khi năm học mới đã bắt đầu, trách nhiệm trực tiếp thuộc về các nhà xuất bản. Bộ GDĐT cũng có trách nhiệm trong việc này” - chị Vũ Như Huyền nêu quan điểm trước việc nhiều nơi đang thiếu sách giáo khoa. 

Lý giải cho học sinh vẫn đang chưa có sách giáo khoa, đại diện đơn vị xuất bản cho rằng, căn nguyên của việc chậm cung ứng sách giáo khoa là do quá trình chọn sách giáo khoa của các địa phương năm nay diễn ra muộn hơn so với mọi năm. Quy trình tổ chức lựa chọn môn học năm nay nhiều xáo động và quá cấp tập cũng là một nguyên nhân tác động.

Còn theo TS Lê Viết Khuyến -  nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT, việc học sinh thiếu SGK đầu năm học mới thể hiện sự yếu kém trong khâu chuẩn bị, đặc biệt trong bối cảnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Khách quan mà nói, nguyên nhân của việc thiếu SGK lớp 10 theo chương trình mới là do sự thay đổi, điều chỉnh nội dung chương trình vào “phút chót”.

“Chương trình học thay đổi đột ngột khiến cho việc điều chỉnh, in ấn cũng gặp khó khăn. Việc thay đổi môn Lịch sử từ môn học tự chọn thành môn bắt buộc khiến nội dung phải thay đổi, thời lượng giảng dạy thay đổi, các trường phải điều chỉnh việc tổ chức lựa chọn môn học là nguyên nhân dẫn đến việc xuất bản, phân phối SGK còn chậm trễ” - TS Lê Viết Khuyến nói.

Ông Khuyến cũng cho rằng, việc học sinh thiếu sách, nhà trường, Sở GDĐT, Bộ GDĐT hay các NXB đều không mong muốn. Điều quan trọng lúc này không phải đổ lỗi, truy trách nhiệm cho một đơn vị, cá nhân hay tổ chức nào đó mà phải tìm ra cách giải quyết để khắc phục tình trạng nêu trên.

“Việc đổi mới chương trình học và sách giáo khoa đều hướng tới mục tiêu cho nền giáo dục phát triển và thay đổi tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai không tránh khỏi những thiếu sót, khó khăn, điều này có thể thông cảm.

Trong thời gian ngắn, Bộ GDĐT cũng đã khắc phục tạm thời bằng cách dùng sách điện tử. Nhưng không thể kéo dài quá lâu tình trạng này làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của nhà trường và học tập của học sinh, gây khó khăn trong việc triển khai chương trình học mới.

Chưa kể đây là năm đầu tiên học sinh hệ phổ thông lựa chọn tổ hợp môn. Do đó, Bộ GDĐT phải có sự chỉ đạo, đốc thúc để đẩy nhanh tiến độ in ấn, ban hành SGK, cần có đề xuất cụ thể để đảm bảo học sinh nhận được đủ sách trong thời gian ngắn nhất” - ông Khuyến nhấn mạnh.