• :
  • :

Bệnh nhân COVID-19 nặng vẫn tăng nhanh

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy ca mắc mới COVID-19 cũng như bệnh nhân nặng gia tăng, đã 6 ngày liên tiếp nước ta ghi nhận ca tử vong.

Bệnh nhân COVID-19 nặng tăng

Bộ Y tế cho biết ngày 7/9 có 3.878 ca COVID-19, tăng gần 300 ca so với hôm qua; Trong ngày có gần 15.000 bệnh nhân khỏi và 2 trường hợp tử vong tại Cao Bằng, Tây Ninh.

Như vậy đây là ngày có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong hơn 4 tháng qua và cũng là ngày thứ 6 liên tiếp đã ghi nhận các trường hợp tử vong tại một số địa phương. Trong khi trước đó một thời gian dài, nước ta không ghi nhận bệnh nhân nào tử vong.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.428.632 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.156 ca nhiễm).

Bệnh nhân COVID-19 nặng vẫn tăng nhanh

Bệnh nhân COVID-19 nặng vẫn tăng nhanh

Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.252.898 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát hơn 1,132 triệu trường hợp, trong đó có 150 trường hợp nặng đang điều trị thở ô xy qua mặt nạ: 135; Thở ô xy dòng cao HFNC: 6; Thở không xâm lấn: 1; Thở xâm lấn: 8. Qua thống kê cho thấys số bệnh nhân nặng đang tăng nhanh tại các cơ sở điều trị.

Tại lễ phát động hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" do Bộ Y tế phối hợp với UNICEF và UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, thời gian gần đây, số ca mắc mới COVID-19, ca phải nhập viện, bệnh nhân nặng đang có chiều hướng gia tăng. Nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của virus với khả năng lây nhanh hơn; Xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng, nguy cơ cao xâm nhập các bệnh dịch mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ...

Trong khi tại một số nơi, một số địa phương, việc tiêm vắc xin chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 - đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi.

Hiện nay chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy vắc xin phòng COVID-19 ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và trẻ em. Tuy nhiên, hiệu lực của vắc xin giảm tương đối nhanh sau 3-5 tháng, vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nhiều nơi vẫn tiêm vắc xin mũi 3 - 4 rất thấp

Theo thống kê của Bộ Y tế đến ngày 7/9, số mũi tiêm thực hiện trong ngày: 137.155 tại 39 tỉnh, trong đó 116.371 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 20.784 mũi tiêm cho trẻ 5-11 tuổi.

Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên kết quả tiêm mũi 3 ở nước ta là: Tổng số có 50.236.458 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 77%) tăng 0,1%, trong ngày có 32 tỉnh triển khai với 16.323 người được tiêm.

Bệnh nhân COVID-19 nặng vẫn tăng nhanh

Triển khai tiêm vắc xin cho học sinh tại Vĩnh Phúc

Hiện vẫn có 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp hơn mức trung bình của cả nước là: Bình Định (57,5%); Khánh Hòa (55,5%); Đồng Nai (52,8%); Đồng Tháp (58,7%); Bình Phước (58,6%). Tỷ lệ cao: Thanh Hóa (95,7%); Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%).

Về kết quả tiêm mũi 4: Tổng số có 14.676.171 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 77,4%) tăng 0,3%, trong ngày có 34 tỉnh triển khai với 53.031 người được tiêm. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy vẫn có 5 tỉnh, thành phố tiêm thấp hơn mức bình quân cả nước là: Đà Nẵng (48,7%); Phú Yên (59,9%); TP Hồ Chí Minh (51%); Đồng Nai (55,2%); Tây Ninh (55,1%). Tỷ lệ cao: Thanh Hoá (98,4%); Bắc Giang (99,2%); Bắc Kạn (99,1%).

Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 4.660.460 trẻ (54%) tăng 0,1%. Tỷ lệ thấp: Đà Nẵng (30,8%); Phú Yên (17,4%); BR-VT (16%); Đồng Nai (25,1%); Bình Dương (22,7%). Tỷ lệ cao: Bắc Giang (93,5%); Kon Tum (90,1%); Sóc Trăng (91,2%).

Đối với nhóm từ 5-11 tuổi: Tổng số mũi tiêm: 15.811.697. Mũi 1: 9.530.348 trẻ (85,2%) tăng 0,1%; Tỷ lệ thấp: Quảng Trị (70,8%); Đà Nẵng (61%); TP Hồ Chí Minh (57%); Bà Rịa - Vũng Tàu (67,5%); Bình Dương (60,6%). Tỷ lệ cao: Bắc Giang (98,5%); Tuyên Quang (98,2%); Vĩnh Long (97,9%).

Mũi 2: 6.281.349 trẻ (56,2%) tăng 0,3%; Tỷ lệ thấp: Đà Nẵng (21,9%); Quảng Nam (23,4%); Đắk Lắk (38,8%), TP Hồ Chí Minh (31%); Bình Dương (27,2%). Tỷ lệ cao: Bắc Giang (90,6%); Sóc Trăng (94,8%); Cà Mau (86,2%).

Vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo những người suy giảm miễn dịch phải được mũi tiêm thứ 3, 4, bởi ở họ, khả năng tạo ra miễn dịch chống lại bệnh không như những nhóm khác.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Châu Âu (ECDC) ngày 6/9 khuyến nghị ưu tiên tiêm các vắc xin cải tiến ngừa COVID-19 cho những nhóm nguy cơ lây nhiễm cao và nhân viên y tế, trong bối cảnh các nước thành viên trong Liên minh Châu Âu (EU) triển khai chương trình tiêm các vắc xin này trước mùa Thu.

Ủy ban Châu Âu (EC) mới đây đã cấp chứng nhận cho 2 loại vắc xin đầu tiên được cải tiến để phòng ngừa những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Các vắc xin này đã được hãng Pfizer/BioNTech và Moderna điều chỉnh phù hợp để chống dòng phụ BA.1 của biến thể Omicron. Những vắc xin mới này đã được xác nhận có tác dụng phòng ngừa hiệu quả virus SARS-CoV-2 chủng gốc cũng như biến thể phụ BA.1.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vắc xin cải tiến cũng sẽ có tác dụng tốt hơn trong việc phòng ngừa các biến thể phụ đang chiếm ưu thế của Omicron.

Lượt xem: 107
Tác giả: Phương Thu - Ảnh: Bộ Y tế
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết