• :
  • :

Thí sinh cần làm gì trước giờ đóng cổng đăng ký xét tuyển đại học?

17 giờ ngày 30-7, Hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ khóa chức năng đăng ký xét tuyển vào các trường đại học năm 2023. Các chuyên gia khuyến cáo thí sinh không nên đợi đến ngày cuối để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng vì có nguy cơ xảy ra nghẽn mạng.

Ưu tiên nguyện vọng nào?

Chỉ còn 1 ngày nữa đến hạn cuối đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. Tính đến 17 giờ ngày 27-7 đã có gần 600.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT với 2,9 triệu nguyện vọng. Do điểm sàn năm nay nhiều biến động, nên không ít thí sinh có tâm lý chờ đến cuối mới đăng ký xét tuyển. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sai sót thông tin, không đăng ký thành công nguyện vọng gây ảnh hưởng việc xét tuyển, thậm chí là không được vào đại học. 

 Thí sinh tìm hiểu thông tin các trường trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.

Với những thí sinh đã đăng ký, cần kiểm tra lại chính xác thông tin cá nhân, trong đó cung cấp đầy đủ thông tin về những dữ liệu, kết quả mà các em sử dụng để xét tuyển. Đây là điểm lưu ý mà nhiều thí sinh dễ dàng sơ suất bỏ qua. Năm nay, với sự hỗ trợ của hệ thống tuyển sinh, thí sinh không cần lựa chọn giữa phương thức hay tổ hợp xét tuyển, chỉ cần đăng ký vào trường, vào ngành mà mình mong muốn, hệ thống sẽ tự xử lý và chọn tổ hợp, phương thức nào tối ưu nhất.

Điểm thứ hai là trong quy chế tuyển sinh năm 2022 có một nội dung có hiệu lực từ năm 2023, áp dụng điểm ưu tiên về khu vực và đối tượng. Đối với điểm ưu tiên về khu vực, các em sẽ được áp dụng trong 2 năm liên tiếp (năm thi tốt nghiệp THPT và năm tiếp theo). Với điểm ưu tiên về đối tượng và khu vực, xét trên điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ (quy trên thang điểm 30), nếu tổng điểm của thí sinh đạt từ 22,5 trở lên thì điểm cộng ưu tiên của các em sẽ giảm dần theo tuyến tính. Như vậy, nếu các em đã đạt 30 điểm rồi thì không cần cộng điểm ưu tiên nữa. Đây là hai điểm mới mà thí sinh cần lưu ý để lựa chọn nguyện vọng phù hợp nhất.

Tuy nhiên, khi các em điều chỉnh xong, nhớ phải “kết thúc quy trình”, sử dụng nút “Hoàn thành” (submit) để hệ thống ghi nhận những điều chỉnh, thay đổi mà các em vừa thao tác. Nếu không, thí sinh sẽ lỡ đi cơ hội khi có sự thay đổi quyết định.

Theo quy chế, thí sinh sẽ được công nhận trúng tuyển ở nguyện vọng mà các bạn đủ điều kiện về điểm trúng tuyển, đồng thời đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất. Thí sinh đã trúng tuyển một nguyện vọng thì không tiếp tục xét các nguyện vọng tiếp theo. Vì vậy, thí sinh nên dành nguyện vọng ở các vị trí ưu tiên cho các ngành, trường mà mình yêu thích nhất.

Để xác định thứ tự ưu tiên, các căn cứ vào định hướng đào tạo, chính sách học bổng, học phí, môi trường ngoại khóa, hoạt động kết nối doanh nghiệp để “chốt” trường, đảm bảo thuận lợi trong suốt quá trình học đại học.

Điểm sàn đại học của xét điểm thi THPT năm nay biến động mạnh ở nhiều ngành. Ngành có điểm sàn cao nhất là 24,5 và thấp nhất là 14 điểm. Nhiều trường đại học lớn khu vực phía Bắc dự báo điểm chuẩn xét tuyển theo phương thức kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 giảm từ 0,25 đến 1,5 điểm.

Năm nay, các ngành thuộc khối sư phạm và sức khỏe, phần lớn các trường công bố điểm sàn cùng mức do Bộ GD-ĐT quy định năm 2023 (khối ngành sức khỏe có điểm sàn 19 - 22,5; sư phạm 18 - 19 điểm). Riêng có ngành giáo dục tiểu học của Trường ĐH Vinh có điểm sàn cao nhất cả nước với 24,5 điểm (thang điểm 30, đã cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực). Tất cả các ngành còn lại của trường này có điểm sàn 16 - 23,5 điểm.

Với những ngành thuộc khối Khoa học Xã hội và Nhân văn, PGS, TS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết dự kiến điểm chuẩn vào trường năm nay thấp hơn năm 2022. Năm ngoái, điểm trúng tuyển ngành Báo chí của trường lên đến 29,9 ở tổ hợp C00. Ba ngành có điểm chuẩn cao nhất năm trước gồm: Hàn Quốc học, Đông phương học, Quan hệ công chúng, cùng lấy 29,95 điểm. Các ngành Quốc tế học, quản trị văn phòng (khối C00) 29 điểm. “Thí sinh hoàn toàn yên tâm về mức điểm chuẩn năm nay có thể không cao bằng năm ngoái”, PGS, TS Đặng Thị Thu Hương chia sẻ.

TS Lê Đình Nam, Phó trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định, điểm chuẩn nhóm ngành Tự động hóa, Cơ điện tử và Toán có thể giữ nguyên hoặc không thay đổi đáng kể. Với các nhóm ngành còn lại, điểm có thể giảm. Riêng một số ngành hot được thí sinh quan tâm, cạnh tranh cao như Công nghệ thông tin, điểm chuẩn khả năng tăng nhẹ.

TS Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự báo, những ngành tuyển sinh bằng tổ hợp A00 năm nay điểm chuẩn sẽ ổn định hoặc giảm nhẹ tùy từng ngành, mức giảm trong khoảng 0,25 đến 0,5 điểm. Đặc biệt những ngành điểm chuẩn từ 26 trở lên sẽ giảm ít nhất khoảng 0,25 điểm. Dự báo điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo dự kiến có điểm chuẩn hơn 27,5 điểm.

Tuy nhiên, những điều này là dự đoán mang tính chất tham khảo, bởi điểm chuẩn không chỉ phụ thuộc về điểm xét tuyển mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, như chỉ tiêu phân bổ cho phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, nguồn tuyển.

Cơ hội trúng tuyển những ngành học mới

Có một thực tế là nhiều thí sinh vẫn tìm kiếm và lựa chọn  theo từ khóa các “ngành học hot”. Tuy nhiên, việc đón đầu những ngành học mới mở, đang khát nhân lực, mới là xu hướng đúng, đồng thời  mang lại nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Lời khuyên của các chuyên gia là các em nên tìm hiểu đề án tuyển sinh các trường để tìm cơ hội trúng tuyển ở những ngành học mới này.

Năm 2023, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển sinh 28 ngành, trong đó có hai ngành mới là Sinh Dược học (khoa Sinh học) và Môi trường An toàn (khoa Môi trường).  PGS, TS Nguyễn Tiến Đức, Phó trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết: “Đây là ngành học đầu tiên liên quan đến lĩnh vực Sinh Dược học ở Việt Nam, ngành được mở trên cơ sở dược liệu và thế mạnh sinh học của Việt Nam, kết hợp công nghệ sinh học. Còn ngành Môi trường An toàn đáp ứng nhu cầu sức khỏe nghề nghiệp, đây là ngành học rất quan trọng”. 

Ngoài ra, trường có một số ngành mới mở trong 4 năm qua như: Khoa Toán học có ngành Khoa học dữ liệu, Khoa Vật lý có ngành Điện tử - Tin học; Ngành Khoa học Trái đất… Khảo sát cho thấy, hơn 90% sinh viên sau 3 tháng ra trường có việc làm và sau 1 năm, thì 100% sinh viên có việc làm. 

Còn ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay mở 3 ngành học mới, trong đó có 2 ngành về Vật liệu và Công nghệ sinh học (Chương trình tiên tiến). Trường ĐH Mỏ - Địa chất cũng có những ngành mới như Du lịch Địa chất, Quản lý phát triển đô thị Bất động sản, Hóa dược và An toàn lao động. Đây là những ngành mà các trường đã khảo sát doanh nghiệp, xã hội về nhu cầu cần thiết vị trí việc làm. 

KHÁNH HÀ

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...