• :
  • :

Thêm cơ hội, tăng áp lực cho học sinh

Phương án tuyển sinh năm 2023 của các trường đại học cho thấy năm nay tiếp tục xu hướng đa dạng hóa phương thức, thêm các kỳ thi riêng. Điều này mở rộng thêm cơ hội trúng tuyển đại học cho thí sinh, nhưng cũng đặt các em trước áp lực bởi nhiều kỳ thi.

Tiếp tục xu hướng tuyển sinh riêng

Năm nay, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng để xét tuyển đại học. Như vậy, số kỳ thi riêng năm 2023 sẽ tăng lên 9 kỳ thi khi năm 2022 đã có 7 kỳ thi tuyển sinh riêng được tổ chức bởi các đơn vị gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Việt Đức, Đại học Bách khoa Hà Nội và Cục Đào tạo, Bộ Công an (tuyển sinh vào khối trường của Bộ Công an).

Các cơ sở giáo dục đại học cũng gia tăng xu hướng sử dụng điểm các kỳ thi riêng để tuyển sinh. Sau nhiều năm trao đổi, mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã thống nhất được chuyển đổi điểm giữa hai bài thi đánh giá năng lực do các đơn vị này tổ chức. Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Sẽ có khoảng 120 đến 160 trường ở cả hai khu vực phía Bắc và phía Nam xét tuyển bằng điểm của cả hai bài thi. Điều này giúp thí sinh chỉ phải thi ít lần nhưng vẫn có cơ hội xét tuyển vào nhiều trường đại học khác nhau”.

 Thí sinh tìm hiểu thông tin Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. 

Bên cạnh các kỳ thi riêng, các trường tiếp tục xét tuyển dựa trên những chứng chỉ quốc tế như: SAT, ACT; chứng chỉ tiếng Anh như: TOEIC, TOEFL, IELTS, xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm học bạ... Việc đa dạng phương thức tuyển sinh đồng nghĩa với việc thí sinh có thể mở nhiều “cánh cửa” khác nhau để vào đại học, nhưng đồng thời cũng gia tăng áp lực khi phải cùng lúc ôn luyện cho nhiều kỳ thi, mỗi kỳ thi lại có phương thức, định hướng khác nhau.

Em Trần Anh Huy, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho biết: “Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 3 phần: Tư duy định tính, tư duy định lượng và khoa học xã hội. Còn bài thi kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội lại tư duy nặng về toán học và logic. Em cảm thấy căng thẳng khi phải ôn kiến thức rộng, gồm cả những môn không phải sở trường của mình".

Không chỉ nội dung kiến thức, thầy Đinh Đức Hiền (giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI) cho hay, học sinh còn áp lực bởi mỗi kỳ thi có dạng đề, cách thức thi khác nhau. Với rất nhiều lo lắng cho kỳ tuyển sinh phía trước, đa số sĩ tử đều học kín lịch từ sáng tới đêm. “Em bắt đầu một ngày từ lúc 6 giờ, đi học ở trường và các lớp học thêm đến 21 giờ 30 phút. Sau đó về nhà và tiếp tục học ôn thi các bộ đề khác nhau đến khoảng 1 giờ sáng mới đi ngủ. Ngày hôm sau lại guồng quay như vậy”, em Đào Anh Ngọc, học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ.

Cách giảm áp lực cho học sinh

Lãnh đạo các đơn vị có tổ chức thi riêng đều nhấn mạnh việc thí sinh không cần đi luyện thi, chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là có thể làm tốt bài thi. GS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng, việc học sinh đến các trung tâm luyện thi chỉ là giải pháp tinh thần vì ngân hàng đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội rất lớn, dữ liệu có thể lấy ngoài sách giáo khoa. Cùng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: “Bài thi đánh giá năng lực của đơn vị này đòi hỏi thí sinh phải trình bày kiến thức, thậm chí đề còn cung cấp dữ kiện, nhưng đòi hỏi thí sinh phải tư duy để giải quyết vấn đề. Do đó, thí sinh thay vì đi luyện thi thì cần có cách học tập khoa học, toàn diện, không học lệch, học tủ”.

Nói thêm về vấn đề này, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, thí sinh không cần đi học thêm, chỉ cần học ở trường là có thể làm tốt bài thi đánh giá năng lực của trường này. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị tổ chức thi đều công bố đề thi tham khảo. Để làm quen với định dạng cũng như kỹ năng làm bài thi, thí sinh nên tập dượt làm thử theo đề thi này trước ngày thi.

GS Nguyễn Tiến Thảo nhận xét: “Một sai lầm thí sinh thường mắc phải là chia thời gian bình quân cho các câu hỏi trong khi độ khó-dễ của mỗi câu là khác nhau. Các em cần có chiến lược làm bài, ưu tiên làm nhanh câu hỏi dễ, đánh dấu câu hỏi khó hoặc chưa chắc chắn đáp án để quay lại làm tiếp. Việc làm bài thi tham khảo sẽ cho các em kinh nghiệm trước khi bước vào kỳ thi chính thức”.

Bên cạnh đó, chuyên gia giáo dục cũng khuyên thí sinh nên có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng, chọn lọc các trường đại học có ngành đào tạo ngành nghề đó và phù hợp với năng lực bản thân, tìm hiểu phương thức xét tuyển, lựa chọn phương thức tối ưu nhất và tập trung ôn tập theo phương thức đó. Đây cũng là lời khuyên của PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Theo bà Nguyễn Thu Thủy, ngoài kỳ thi của hai đại học quốc gia, các kỳ thi riêng hiện có sự phân hóa tương đối như kỳ thi của Đại học Bách khoa Hà Nội thiên về khối trường kỹ thuật, kỳ thi của hai đại học sư phạm phục vụ tuyển sinh nhóm trường sư phạm, nhóm trường an ninh có kỳ thi của Bộ Công an... Vì thế, thí sinh nên lựa chọn kỳ thi phù hợp với mục tiêu xét tuyển đại học của bản thân. Việc tham gia quá nhiều kỳ thi sẽ khiến thí sinh bị áp lực nặng nề, lãng phí nhiều thời gian, công sức, giảm hiệu quả học tập cũng như khó đạt kết quả thi mong muốn.

Bài và ảnh: THÁI BÌNH

Tags: học sinh
Lượt xem: 17
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết