• :
  • :

Thầy giáo biên phòng của trẻ em nghèo

Gần 17 giờ, trong căn phòng nhỏ nằm bên con hẻm thuộc khu phố 3, phường Phú Mỹ, quận 7 (TP Hồ Chí Minh), khá đông trẻ nhỏ đang chơi đùa vui nhộn. Bỗng một em reo lên: “Thầy Tính đến rồi”, tất cả lập tức dừng lại và đồng thanh: “Chúng con chào thầy ạ!”, rồi chạy ùa vào lớp, mở sách vở ra, ngồi trật tự. Thầy Tính bước vào: “Chào các con. Cả lớp ổn định, chúng ta bắt đầu học nhé”...

Lớp học của thầy giáo Vũ Trường Tính, Trung tá QNCN, nhân viên kiểm tra, giám sát biên phòng, thuộc Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Mỹ, Biên phòng Cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh (Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh) bắt đầu như thế! Căn phòng rộng chừng 25m2, có đủ bàn ghế cho hơn 30 em ngồi học.

Trên bục giảng, thầy Tính nắn nót viết đầu bài lên bảng rồi ân cần hướng dẫn học trò tập đọc, tập viết. Với những em lớp 1, lớp 2, thầy nhẹ nhàng cầm tay giúp các em đưa từng nét chữ; với các em lớp 3, lớp 4, lớp 5, thầy hướng dẫn nội dung tập làm văn, thực hiện các phép tính nhân, chia, giải toán đố...

 Thầy giáo Vũ Trường Tính hướng dẫn học trò làm bài tập.

Liên tục hai tiếng đồng hồ, thầy Tính cặm cụi giảng bài, hướng dẫn học trò ôn luyện và kiểm tra nhận thức của các em. Chứng kiến một buổi lên lớp của thầy Tính, chúng tôi cảm phục lòng kiên trì, nhiệt huyết và tình cảm mà anh dành cho học trò nghèo trong suốt những năm qua.

Trung tá QNCN Vũ Trường Tính chia sẻ: “32 học sinh ở các độ tuổi, lớp học khác nhau nhưng chỉ có một phòng học chung nên phải xếp mỗi dãy bàn một lớp. Các buổi tối thường có những sinh viên, tình nguyện viên hỗ trợ dạy thêm. Hôm nào các bạn ấy bận việc thì một mình tôi phải đảm nhiệm hết. Vất vả nhưng vui”.

Phường Phú Mỹ có khá đông người dân là lao động từ các tỉnh miền Tây về sinh sống, làm nghề tự do... Các em cũng theo cha mẹ đến ở trọ trong khu dân cư. Do không có hộ khẩu và hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ chủ yếu làm thuê, làm công nhân, buôn thúng bán bưng... nên hầu hết các em đều không được đến trường.

 Trung tá QNCN Vũ Trường Tính (bên phải) tặng quà học sinh trong lớp học tình thương.

Hằng ngày, các em phải phụ cha mẹ bán vé số, nhặt ve chai, một vài em đi nhặt bóng thuê ở sân tennis. Có em vì cha mẹ làm công nhân nên suốt ngày bị nhốt trong phòng trọ chật chội, tù túng. Bởi vậy, khi được đi học các em rất vui. Mặc dù 17 giờ hằng ngày (trừ chủ nhật) mới vào lớp nhưng nhiều em đến sớm trước vài tiếng để được vui đùa cho thỏa thích. Đến với lớp học tình thương, các em được học những môn: Tập đọc, Tập viết, Tiếng Việt, Toán, Tập làm văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh... Có học sinh khi đi học còn bế theo cả em đến lớp. Những trường hợp như thế, thầy Tính và các tình nguyện viên lại kiêm luôn cả vai trò “bảo mẫu”.

Để kết quả học tập của học trò tốt hơn, sát với chương trình học ở các nhà trường, thầy Tính liên hệ với phòng giáo dục và đào tạo địa phương xin chương trình khung, tài liệu, giáo án về soạn lại cho phù hợp với nhận thức của lớp học tình thương; cố gắng diễn đạt thật đơn giản để các em dễ hiểu, biết vận dụng vào làm bài tập, hoàn thành nội dung theo chương trình, lớp học. Thầy Tính chia sẻ: “Gần 6 năm dạy ở lớp học tình thương phường Phú Mỹ, có hơn 50 học sinh nghèo không biết đọc, không biết viết, đến nay đã đọc, viết thành thạo, biết làm toán, làm văn, hoàn thành cơ bản chương trình tiểu học. Đây là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của “người đưa đò” như tôi”.

28 năm tuổi quân, Trung tá QNCN Vũ Trường Tính có tới 23 năm làm “thầy giáo”. Dường như anh bén duyên với nghiệp “nhà giáo” ngay từ khi còn là học viên Trường Trung cấp Biên phòng 2 (nay là Trường Cao đẳng Biên phòng). Nhớ lại thời gian đó, anh Tính kể: “Năm 1995, tròn 19 tuổi, tôi nhập ngũ. Năm 1997, tôi được cử đi học Trường Trung cấp Biên phòng 2. Gần đó có Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu. Vào ngày nghỉ, tôi thường sang thăm bạn bè ở trường sư phạm, rồi mượn sách, tài liệu của bạn về đọc thêm. Thấy tôi thích ngành sư phạm nên bạn bè hướng dẫn, chia sẻ phương pháp, kỹ năng dạy học.

 Cán bộ đơn vị và Trung tá QNCN Vũ Trường Tính (bên phải) tặng quà học sinh lớp học tình thương phường Phú Mỹ.

Hai năm sau, tốt nghiệp ra trường, tôi được điều về công tác tại Đồn Biên phòng Thạnh An (Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh), đóng tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ). Tại đây, tôi đảm nhiệm công tác vận động quần chúng ở ấp đảo Thiềng Liềng, địa bàn xa xôi, nghèo khó nhất của xã đảo Thạnh An với tứ bề sông nước, kênh rạch chằng chịt. Trong một lần đến ấp Thiềng Liềng thực hiện nhiệm vụ, tôi thấy nhiều em nhỏ học hết lớp 5 phải nghỉ học, bởi ở đây không có trường THCS, muốn học tiếp phải ra trung tâm huyện, mà đi lại phụ thuộc vào con nước, rất bất tiện. Về đơn vị, tôi đề nghị chỉ huy cho phép mở lớp dạy học cho các em được học tiếp chương trình từ lớp 6 trở lên và lớp xóa mù chữ. Được cấp ủy, chỉ huy đơn vị đồng ý, quan tâm, chỉ đạo sát sao, tôi liên hệ gặp thầy hiệu trưởng trường THCS địa phương đề xuất việc mở lớp và xin tài liệu, bắt đầu nhận dạy những học sinh đầu tiên với chương trình lớp 6, lớp 7 ngay tại ấp Thiềng Liềng”.

Vậy là, từ năm 2000, đồng chí Vũ Trường Tính trở thành “giáo viên” của trẻ em nghèo trên ấp đảo. Kết quả ban đầu thành công, trường THCS địa phương cử giáo viên hỗ trợ dạy thêm chương trình lớp 8, lớp 9. Thầy Tính tiếp tục nhận các em học sinh vào dạy lớp 6, lớp 7... Cứ thế, trong 9 năm, anh đã “đưa đò” 3 khóa với hơn 130 em hoàn thành chương trình THCS rút gọn.

Năm 2010, đồng chí Vũ Trường Tính được chuyển đến công tác tại Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Bến Nghé (Biên phòng Cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh). Sau một năm thâm nhập địa bàn, anh nhận thấy khu vực hành lang cảng Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông (quận 7), có nhiều hộ gia đình là dân nhập cư từ các tỉnh Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long... về ở trọ làm thuê, làm mướn để mưu sinh, cuộc sống rất khó khăn. Nhiều trẻ em ở đây đến tuổi đi học vẫn ở nhà chơi đùa, lêu lổng, thậm chí có em hơn 12 tuổi vẫn chưa biết chữ. Từ thực tế đó, anh trăn trở, tìm cách giúp các em “xóa mù”.

Được chỉ huy đơn vị nhất trí phối hợp cùng Đoàn Thanh niên phường Tân Thuận Đông tổ chức xóa mù chữ cho các em, lớp học chính thức đi vào hoạt động từ năm 2012, đều đặn vào các buổi tối thứ 2, 4, 6 hằng tuần, tại Nhà văn hóa khu phố 5, phường Tân Thuận Đông. Trung tá QNCN Vũ Trường Tính (khi đó là Đại úy) trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho các em.

Anh Tính tâm sự: “Lúc đầu, nhiều phụ huynh chưa tin lớp học của Bộ đội Biên phòng nên không cho con đến lớp. Tôi phải mang quà, bánh, kẹo đến tận nhà vận động, “dụ” các em đi học. Ban đầu, cả lớp chỉ có chưa đầy 10 em, nhưng sau đó đông dần lên tới gần 30 em, được học chương trình từ lớp 1 đến lớp 5. Tính đến khi tôi chuyển công tác về Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Mỹ (năm 2017), đã có hơn 80 em được học tập trong lớp học tình thương”.

Nếu cộng tất cả học sinh ở 3 nơi (phường Phú Mỹ, phường Tân Thuận Đông và ấp đảo Thiềng Liềng), đến thời điểm này, số học trò của thầy Tính đã lên tới hơn 270 em. Trong số đó, nhiều người đã tiến bộ, trưởng thành, làm trưởng ấp, trưởng ban công tác mặt trận, công an viên, kiểm lâm viên, kỹ sư thủy sản... Anh Nguyễn Văn Đức, kiểm lâm viên (Hạt Kiểm lâm huyện Cần Giờ) bày tỏ: “Sau khi học hết chương trình THCS ở lớp của thầy Tính, tôi được chuyển sang học THPT, rồi được tuyển dụng vào công tác trong ngành kiểm lâm. Tôi rất biết ơn thầy Tính. Nếu không có lớp học của thầy thì việc học của tôi đã bị đứt quãng từ lớp 5 và sẽ chẳng bao giờ có công việc ổn định như ngày hôm nay”...

Không chỉ dạy chữ cho trẻ em nghèo, Trung tá QNCN Vũ Trường Tính còn kết hợp rèn đạo đức, dạy các em lẽ sống làm người và những kỹ năng cần thiết để trở thành người có ích thông qua sự mẫu mực của chính bản thân mình và những câu chuyện người tốt, việc tốt từ thực tiễn hằng ngày.

Cùng với đó, anh và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tích cực vận động các mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân hỗ trợ vật chất, như: Bàn ghế, quần áo, đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm... để chăm lo cho học sinh. Trung tá Nguyễn Văn Hiệu, Chính trị viên Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Mỹ cho biết: "Khi dịch Covid-19 bùng phát, đồng chí Vũ Trường Tính đã cùng lãnh đạo, chỉ huy đơn vị vận động được hơn 1 tấn gạo và 100 thùng mì ăn liền tặng học sinh trong lớp học tình thương phường Phú Mỹ. Nhân các ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán hằng năm, Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Mỹ đều tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, “đêm hội trăng rằm”, tặng quà học sinh nghèo trong lớp học và trên địa bàn. Ngày 1-6 vừa qua, Trạm đã vận động tặng xe đạp, 325kg gạo, 32 thùng mì ăn liền và nhiều bánh, kẹo cho học sinh trong lớp học tình thương... giúp các em và gia đình ổn định cuộc sống".

Theo bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, những việc làm nghĩa tình, thầm lặng của đồng chí Vũ Trường Tính không chỉ được cấp ủy, chỉ huy đơn vị và đồng đội ủng hộ, động viên mà còn được chính quyền, đoàn thể địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, trẻ em nghèo và người lao động trên địa bàn tin tưởng, quý mến thầy giáo Tính. Đây là việc làm đầy ý nghĩa nhân văn của Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh, góp phần tăng cường tình đoàn kết quân dân, tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ-bộ đội của dân.

Với những thành tích trong công tác, Trung tá QNCN Vũ Trường Tính 2 lần được cùng đoàn cán bộ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội viếng Lăng, báo công với Bác Hồ; được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng 2 bằng khen; Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng 2 bằng khen; UBND TP Hồ Chí Minh tặng 3 bằng khen và được thành phố tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” năm 2022; 5 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua...

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH

Tags: thầy giáo