• :
  • :

Sinh viên chuẩn bị ra trường: Đi làm lương cao mới ở lại Hà Nội?

Rời miền quê đến thành phố lớn học tập, sinh viên mang theo bao ước mơ, hoài bão với chuyên ngành mình đang theo học. Cầm tấm bằng cử nhân, không ít bạn trẻ băn khoăn nên ở lại hay về quê xin việc, lập nghiệp.

Sinh viên chuẩn bị ra trường: Đi làm lương cao mới ở lại Hà Nội?

Hà Linh chụp ảnh kỉ niệm cùng nhóm bạn. Ảnh NVCC

Thử sức tại Hà Nội

5 tháng trước khi tốt nghiệp, bạn Bùi Thị Huệ Chi (SN 2000, ở Hải Dương) đã hoạch định mục tiêu nghề nghiệp, nơi làm việc tới đây cho riêng mình.

Bạn trẻ này phải đặt lên “bàn cân” lựa chọn giữa việc về quê xin việc và tiếp tục sinh sống và tìm việc tại Hà Nội. Do học chuyên ngành logistics (Trường Đại học Giao thông Vận tải), nên Huệ Chi đã đi đến quyết định ở lại thủ đô lập nghiệp.

Bạn Huệ Chi chia sẻ: “Do lĩnh vực tôi theo học vẫn còn mới mẻ, vì thế nhu cầu việc làm ở quê còn rất hạn chế. Với ngành này, rất nhiều công ty đang cần người lao động ở Hà Nội. Cho nên, tôi quyết định ở lại thủ đô làm việc”.

Khi còn chưa nhận bằng đại học, cô gái này đã chuẩn bị rất nhiều bộ hồ sơ đi xin việc. Hành trình tiếm kiếm việc làm, nộp hồ sơ đến những công ty đang có nhu cầu tuyển dụng bắt đầu.

Sau thời gian ngắn hồi hộp chờ đợi phản hồi, cũng có một doanh nghiệp gọi điện cho bạn Huệ Chi để đi phỏng vấn.

“Sau khi phỏng vấn thành công, tôi chính thức thực tập 3 tháng tại công ty. Sau đó, tôi được tuyển làm nhân viên tập sự, được doanh nghiệp hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng. Nếu là nhân viên chính thức thì mức lương dao động từ 7-8 triệu đồng/tháng” – bạn Huệ Chi chia sẻ,

Sau khi quyết định ở lại thủ đô làm việc, bạn Huệ Chi lại “đau đầu” với các khoản phải chi tiêu. Tiền thuê nhà trọ gần công ty 2 triệu đồng/tháng, tiền ăn, sinh hoạt… buộc bạn trẻ này phải đong đếm lại chi tiêu.

Bạn Huệ Chi nói: “Ở Hà Nội mà mức lương như của tôi là khá thấp. Chắc chỉ đủ để trang trải cuộc sống, sẽ khó lòng có tích luỹ”.

Xác định được thực tế, Huệ Chi cũng vạch sẵn kế hoạch cho mình phải tiếp tục học thêm một ngoại ngữ là tiếng Trung. Do đặc thù công việc giao dịch mua-bán, nên việc thông thạo ngoại ngữ sẽ phục vụ đắc lực cho công việc. Từ đó, bạn Huệ Chi mới có sự thăng tiến cũng như mức thu nhập tốt hơn.

Thu nhập cao mới ở lại thành phố 

Đang là sinh viên năm 3 của Trường Cao đẳng FPT, Trần Thị Hà Linh (SN 2001, quê ở Hà Tĩnh) cũng đã khẳng định sự năng động của mình bằng việc tìm kiếm công việc làm thêm phù hợp với sở thích, ngành học.

Sinh viên “đau đầu” với lựa chọn ở lại thành phố lớn hay về quê lập nghiệp. Ảnh NVCC

Sinh viên “đau đầu” với lựa chọn ở lại thành phố lớn hay về quê lập nghiệp. Ảnh NVCC

Là người nhạy bén, bạn Hà Linh đã xây dựng được “thương hiệu” cá nhân với phong cách thời trang trẻ trung, lôi cuốn trên mạng xã hội Facebook và Tik Tok.

Vì vậy, bạn trẻ này rất tự tin khi ứng tuyển vào vị trí sáng tạo nội dung cho một công ty truyền thông. Công việc này giúp Linh vừa có những trải nghiệm, vận dụng kiến thức nhà trường vào công việc vừa cho nguồn thu nhập mỗi tháng.

Tưởng chừng mọi thứ đang rất ủng hộ Hà Linh, song, cô gái này lại đang phân vân “cực độ” ra trường sẽ làm việc ở đâu? Hiện, ở quê hương Hà Linh cũng đang phát triển. Cô được nhiều bạn bè “rủ rê” về đây cùng nhau khởi nghiệp. Mặc khác, tại Hà Nội cũng tạo được nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc.

Hà Linh chia sẻ: “Dù chọn nơi đâu làm việc thì cũng luôn có mặt được và hạn chế. Nếu về quê tôi sẽ được gần bố mẹ hơn. Song ở Hà Nội lại đa dạng ngành nghề, thúc đẩy mình nỗ lực, chinh phục đỉnh cao công việc mới”.

Cho nên, bạn trẻ này quyết định với mức sống “đắt đỏ” tại thủ đô, mức thu nhập khoảng 20-30 triệu đồng/tháng thì mới quyết định ở lại. Còn không, bạn Hà Linh sẽ về quê làm việc, lập nghiệp.

Sinh viên nên về quê hay ở lại thành phố lập nghiệp sau khi tốt nghiệp? 

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này qua email của Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Lượt xem: 50
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết