Nỗi sợ đăng ký môn học
Cuối tuần, tới chơi nhà chú, tôi thấy cậu em ngồi bên máy tính cả ngày rồi thỉnh thoảng cáu gắt. Hỏi ra mới biết em đang đăng ký môn học (ĐKMH) chuẩn bị cho kỳ học mới. Dù là sinh viên năm thứ ba của một học viện có tiếng ở Hà Nội nhưng ĐKMH vẫn luôn khiến em tôi uể oải, lo sợ.
ĐKMH nhằm giúp sinh viên chủ động lịch học, chọn môn học và giảng viên, xây dựng kế hoạch học cải thiện, học vượt. Thế nhưng, quá trình ĐKMH, sinh viên gặp nhiều bất cập như đang đăng ký thì “sập mạng”, mạng "chạy lại" thì "hết chỗ", hoặc đăng ký xong vẫn bị hủy môn vì lớp không đủ sĩ số. Có trường hợp đăng ký xong muốn hủy môn thì hệ thống báo lỗi, sinh viên đành phải học "nhảy lớp" vì trùng lịch... Để hạn chế tình trạng quá tải, nghẽn mạng, nhiều trường đã phân chia lịch ĐKMH theo khoa, theo khóa, nhưng mọi thứ vẫn thế. Sinh viên phải mất nhiều giờ mới may mắn truy cập được vào trang web, lại chỉ có vài phút để hoàn thành thao tác ĐKMH trước khi tài khoản tự động bị đăng xuất. Bạn nào may mắn thì hoàn thành ĐKMH trong khoảng từ 2 đến 3 giờ đồng hồ, xui thì mất cả ngày ngồi máy tính, còn nếu “chậm chân” sẽ không đăng ký được lịch học theo mong muốn.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Không chỉ hao tâm tổn sức khi ĐKMH, ngay cả khi đăng ký được rồi, sinh viên vẫn gặp tình trạng môn học tự dưng biến mất do lỗi hệ thống. Không ít sinh viên phải tìm cách "nhượng môn" từ bạn bè, song cách làm này cũng tốn không ít công sức. Lâu dần, hoạt động ĐKMH theo tín chỉ khiến nhiều sinh viên chán nản, một số khác chậm tiến độ học tập. Cậu em tôi dẫn chứng, một vài anh chị khóa trên phải ra trường muộn do không đăng ký được môn thể dục, ngoại ngữ bởi số lượng lớp học được mở ít hơn nhu cầu. Học viện đã giải quyết bất cập bằng cách mở thêm lớp học hè dành cho sinh viên học cải thiện, học lại; lớp đặc biệt dành cho sinh viên chậm tiến độ, song phần lớn đều không thực hiện được vì nhiều lý do.
Thực tế, lỗi mạng, hệ thống quá tải chỉ là bất cập bề nổi, sâu xa hơn, việc đào tạo tín chỉ ở nhiều trường đại học, cao đẳng, học viện hiện nay chỉ nửa vời, chưa phải là tín chỉ hoàn toàn và có yếu tố bị kinh tế chi phối. Bởi việc mở lớp cần phải cân nhắc sĩ số vì liên quan đến chi phí chi trả cho giảng viên, phòng học còn chưa bảo đảm. Đội ngũ giảng viên cũng chưa đủ mạnh để đáp ứng hết nhu cầu chọn thầy của người học. Với các môn thực hành, giảng viên thường kiêm luôn cố vấn học tập, trong khi các môn đại cương, cơ sở ngành hầu như không có đội ngũ cố vấn học tập chuyên trách hỗ trợ phần tự học của sinh viên.
Theo các chuyên gia, mỗi chương trình đào tạo đều được nhà trường thiết kế sao cho từng học kỳ, sinh viên không phải học quá nhiều hay quá ít. Sinh viên cần nắm rõ đâu là môn tiền đề, môn cơ sở ngành, chuyên ngành hay môn tự chọn để ĐKMH phù hợp. Sinh viên nên lập một thời khóa biểu sơ bộ và ghi chú lại mã lớp học phần để chủ động ĐKMH. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải tính toán cụ thể về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất phòng học, nghiên cứu nhu cầu của sinh viên đối với các môn tự chọn trước khi mở lớp để tránh tình trạng lớp học "thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu".
HOA LƯ