• :
  • :

Nhức nhối "bệnh" giả dối trong giáo dục

Dư luận xã hội, nhất là những người tâm huyết, đau đáu với sự nghiệp “trồng người” bày tỏ thái độ đồng tình khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn mổ xẻ một căn bệnh trầm kha khiến nền giáo dục của nước nhà bao năm qua vẫn “loay hoay, khổ sở với chuyện thi cử, kiểm tra, dạy thêm, học thêm” là “bởi chúng ta chưa trung thực ngay trong giáo dục”!

Như khơi đúng vào một vấn đế bức bối tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm qua, công luận không ngại dùng những câu từ nghiêm khắc, thậm chí đau đớn để nói về căn bệnh giả dối trong giáo dục. Nào là: “Nền giáo dục chạy theo điểm số”; “Còn “mưa” điểm 10, còn “bão” giấy khen thì khó có thể có nền giáo dục trung thực”; “Cả gia đình, nhà trường và xã hội không thể vô can khi để nền giáo dục thiếu trung thực”...

Ảnh minh họa: tuoitre.vn 

Thực ra, vấn đề trung thực trong giáo dục không phải bây giờ mới được đề cập ráo riết, mà cách đây 16 năm, từ năm học 2006-2007, ngành giáo dục đã mở cuộc vận động “hai không” (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) và chỉ một năm sau đó, cuộc vận động “hai không” được phát triển thêm hai nội dung mới (Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và tình trạng học sinh không đạt chuẩn vẫn được lên lớp (ngồi nhầm lớp). Bản chất của vấn đề phòng, chống “4 không” cũng không ngoài mục đích dạy thật, học thật, thi thật để đạt kết quả thật và có nhân tài thật.  

Như vậy, ngành giáo dục đã sớm nhận ra triệu chứng của "bệnh" giả dối trong giáo dục và cũng có động thái để phòng ngừa căn bệnh này; thế nhưng tại sao nhiều năm qua những hiện tượng giả dối không thuyên giảm, mà có chiều hướng gia tăng nhức nhối hơn? Những câu chuyện giáo dục khi nhắc lại như vụ gian lận thi cử trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La; hay việc mua bán bằng cấp không khác mấy “chợ trời” từng xảy ra ở Trường Đại học Đông Đô, như một “nhát dao” cắm vào sợi chỉ đỏ trung thực của nền giáo dục nước nhà! Hay gần đây, những vấn đề lình xình về chất lượng đào tạo tiến sĩ ở một số cơ sở giáo dục đại học cũng bị “mất điểm” vì theo các chuyên gia, chính sự giả dối, bất liêm trong khoa học, giáo dục đã dẫn đến tình trạng “bôi bác nền học thuật nước nhà bằng những đề tài nghiên cứu tào lao” như nhận định của GS, TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận những kết quả, thành tích mà ngành giáo dục và đội ngũ nhà giáo đã đóng góp, cống hiến cho đất nước và xã hội. Vẫn có nhiều cơ sở giáo dục, nhiều nhà giáo kiên trì, bền bỉ tạo dựng uy tín, giữ gìn danh dự nghề nghiệp cho mình bằng quá trình giảng dạy nghiêm túc, coi trọng chất lượng thực chất, góp phần tạo ra nguồn nhân lực tốt phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Tuy vậy, những điểm sáng vẫn chưa đủ sức lan tỏa, lấn át những điểm mờ, góc khuất, khoảng tối của bức tranh toàn cảnh nền giáo dục bao năm qua vẫn loay hoay đi tìm cách phòng ngừa, loại bỏ bệnh thành tích từ chính những người làm công tác giáo dục. Trong khi đó, tâm lý xã hội vẫn ưa chuộng bằng cấp, say sưa, thích thú với điểm số cao, học bạ đẹp cũng làm cho căn bệnh này càng trở nên khó chữa trị!

Có chuyên gia giáo dục ví von: Bệnh thành tích như một di căn không chỉ gây tổn thương mà có nguy cơ làm mục ruỗng bản chất ưu việt của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Nhưng di căn này không đến mức “bó tay” nếu “hội đồng y khoa” gồm nhà trường, gia đình và xã hội cùng vào cuộc thật sự tâm huyết, trách nhiệm, quyết liệt. Nói cách khác, muốn nền giáo dục trung thực phải có nhà quản lý giáo dục trung thực, người thầy trung thực, môi trường giáo dục trung thực, phương pháp dạy-học-kiểm tra-đánh giá kết quả trung thực và các bậc phụ huynh cũng phải trung thực. Đó là cái gốc tạo ra nền tảng phẩm chất, tư cách trung thực cho người học. Khi tất cả sự trung thực đó được coi trọng, hiện diện trong thực tế mới hy vọng củng cố, chấn hưng được nền giáo dục thực chất, thực tài để góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

NGÔ DƯƠNG

Tags: giáo dục
Lượt xem: 51
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết