• :
  • :

Chăm lo bồi dưỡng “tài sản đặc biệt”

Binh đoàn 15 có hơn 15 nghìn công nhân và được xác định là “tài sản đặc biệt” của đơn vị. Trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh binh đoàn; cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn hướng về công nhân, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, đời sống vật chất, tinh thần; tạo tiền đề để binh đoàn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xây dựng hạt nhân, các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Sau 12 năm gắn bó với nghề cạo mủ cao su, anh Đoàn Văn Giáp, công nhân Công ty 78 (Binh đoàn 15) cảm ơn mối duyên lành đã đưa anh từ vùng quê nghèo Quảng Bình đến với xã biên giới Mô Rai (Sa Thầy, Kon Tum) và trở thành công nhân của Binh đoàn 15. Ở đây anh Giáp được lãnh đạo, chỉ huy các cấp tạo điều kiện phát huy lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, đức tính cần cù, siêng năng, sáng tạo trong lao động, sản xuất, giúp anh trở thành hạt nhân tiêu biểu trong Phong trào Thi đua Quyết thắng, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” của đơn vị. 

Bình quân mỗi năm, anh Giáp khai thác được hơn 21,1 tấn mủ nước tiêu chuẩn, hoàn thành vượt mức kế hoạch nhận khoán, thu nhập hơn 9 triệu đồng/tháng. Nhiều năm liền anh được nhận danh hiệu “Bàn tay vàng”, “Kiện tướng” trong các hội thi do đơn vị và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức; 5 năm liên tục (2017-2021) là Chiến sĩ thi đua cơ sở và Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2022.

Lãnh đạo Binh đoàn 15 trao giấy chứng nhận công nhân ưu tú cho anh Đoàn Văn Giáp. 

Cũng được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị động viên, hỗ trợ, anh Kpui Mol, dân tộc Gia Rai, công nhân Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) không chỉ trở thành một công nhân giỏi, có đôi “bàn tay vàng” trong lao động, sản xuất mà còn là hạt nhân tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động đồng bào từ bỏ hủ tục lạc hậu, vào làm công nhân cho đơn vị. “Cuộc sống của mình trước đây vất vả lắm, áo chưa đủ ấm, cơm chưa đủ no đâu. May mắn được Công ty Bình Dương tuyển vào làm công nhân, từ chỗ không biết cạo mủ cao su giờ mình biết cạo sao cho đúng kỹ thuật, lượng mủ nhiều và thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng”, anh Kpui Mol chia sẻ. Theo anh Kpui Mol một số thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số không muốn vào làm công nhân khai thác mủ cao su vì các hủ tục, thói quen lạc hậu ngăn cản họ, nhất là đám ma, đám cưới, mừng nhà mới uống rượu mấy ngày liền. Để giúp thanh niên trong làng có cuộc sống ổn định, anh Kpui Mol cùng với cán bộ Công ty Bình Dương đến từng nhà tuyên truyền, vận động họ vào làm công nhân cho đơn vị.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mới đây, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 đã tổ chức tôn vinh 92 công nhân ưu tú như anh Đoàn Văn Giáp, anh Kpui Mol. Họ là những người lao động trực tiếp, những điển hình tiên tiến xuất sắc trong lao động, sản xuất được bình chọn từ hơn 15 nghìn công nhân của toàn binh đoàn. Dù ở trong hoàn cảnh nào những người công nhân ưu tú cũng luôn phấn đấu, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chắt chiu từng dòng nhựa trắng, từng hạt cà phê, chia sẻ, đồng hành với quá trình trưởng thành, phát triển của đơn vị. Để có đội ngũ công nhân tay nghề giỏi, say mê lao động, yên tâm gắn bó với đơn vị, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã triển khai nhiều biện pháp chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện, tạo môi trường, điệu kiện thuận lợi cho công nhân.

Thượng tá Nguyễn Chí Kiên, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty 78 cho biết, với quan điểm "người lao động là tài sản đặc biệt của doanh nghiệp", Công ty 78 đã kết hợp tốt giữa Phong trào Thi đua Quyết thắng với Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới", phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo", “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật", "Nâng cao chất lượng tay nghề thợ khai thác mủ cao su”. Trong 5 năm qua, công ty đã tổ chức đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho 5.566 lượt thợ khai thác mủ cao su, bảo đảm cho đội ngũ thợ có tay nghề khá, giỏi luôn đạt trên 93%, đưa năng suất bình quân của công ty giai đoạn 2017-2021 lên 2.443,5kg/ha/năm, thu nhập bình quân đạt hơn 8 triệu đồng/người/tháng.

Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty 732 (Binh đoàn 15) chia sẻ về kinh nghiệm phát huy vai trò tự chủ và khả năng lao động giỏi, lao động sáng tạo của công nhân, Công ty 732 luôn làm tốt công tác đánh giá, phân loại trình độ của công nhân thông qua các yếu tố, như: Thực hiện quy trình chăm sóc, khai thác; chất lượng vườn cây; hệ thống máng mái, dụng cụ khai thác, vệ sinh vườn cây; kỹ thuật cạo, năng suất sản lượng... Trên cơ sở đó tiến hành bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân thường xuyên, liên tục. “Ngoài ra, Công ty 732 còn triển khai Phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” rộng khắp, thực chất, hiệu quả ở ngay cấp đội với nguyên tắc “công nhân khai thác mủ cao su là trung tâm, là nhân tố thành công và phát triển bền vững của công ty”. Cùng với đó là các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ công nhân gặp khó khăn cả về vật chất và tinh thần để họ nỗ lực vươn lên hoàn thiện tay nghề, yên tâm gắn bó với công ty”, Đại tá Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Đại tá Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 tâm đắc, công nhân của đơn vị là hạt nhân trong xây dựng 271 thôn, làng ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thuộc 3 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình. Qua đó, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh kế-xã hội, xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh ngày càng vững chắc.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Tags: tài sản
Lượt xem: 68
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết