• :
  • :

Nhiều mối lo vì dân số Trung Quốc suy giảm

Ngày càng có nhiều cảnh báo lo ngại cho nền kinh tế Trung Quốc sau khi nước này ghi nhận mức suy giảm dân số có thể đe dọa vị trí là quốc gia đông dân nhất thế giới...

Theo Reuters, mới đây, Wang Pei'an, Phó giám đốc Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc cho rằng, nước này cần các chính sách khuyến khích người dân lập gia đình và thúc đẩy tỷ lệ sinh con giữa bối cảnh sự suy giảm dân số có thể đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Điều tưởng chừng khó có thể xảy ra tại quốc gia đông dân nhất thế giới nhưng đã trở thành sự thật sau khi các số liệu từ chính phủ cho thấy, dân số Trung Quốc đại lục đã giảm hơn 850.000 người xuống còn 1,41 tỷ người trong năm 2022, ghi dấu mức giảm đầu tiên kể từ năm 1961. 

Khách du lịch tại sân bay quốc tế Bắc Kinh (ảnh minh họa). Ảnh: Getty 

Sau thông tin này, giới chuyên gia đưa ra các cảnh báo cho rằng, sự suy giảm dân số kéo dài sẽ có những tác động sâu sắc đối với nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Theo Wall Street Journal, xu hướng giảm dân số, xuất hiện nhanh hơn so với dự đoán của Bắc Kinh, có thể gây ra nhiều tác động phức hợp tới nền kinh tế nước này và cả vị thế là công xưởng của thế giới. 

Dân số già hóa ngày càng đặt ra nhiều thách thức hơn đối với nền kinh tế như Trung Quốc vốn đang thúc đẩy mục tiêu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Lực lượng lao động nhỏ hơn sẽ kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế. Một nền kinh tế chỉ có thể tăng trưởng bằng cách tăng thêm người lao động hoặc gia tăng hoạt động sản xuất với lượng lao động sẵn có. Dân số đang trong độ tuổi lao động của Trung Quốc, đạt đỉnh vào năm 2014, được dự kiến sẽ giảm 0,2%/năm cho đến năm 2030, theo dự báo của S&P Global Ratings.

Dân số giảm không chỉ khiến lực lượng lao động giảm mà còn kéo theo thị trường tiêu dùng của Trung Quốc co lại, khiến nền kinh tế càng chật vật hơn để đạt mục tiêu hồi phục và tăng trưởng. Điều này cũng đã được giới chuyên gia cảnh báo trong bối cảnh Trung Quốc đang chịu sức ép phải thúc đẩy đà tăng trưởng thông qua sức tiêu thụ thay vì đầu tư hay xuất khẩu. Trong bản cập nhật báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố vào cuối tháng 1-2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2023 nhờ vào sự phục hồi của tiêu dùng tư nhân. 

Trước mối quan ngại gia tăng do quy mô dân số bị thu hẹp, các nhà chức trách Trung Quốc đang tìm cách để gia tăng tỷ lệ sinh. Ông Wang Pei'an đề xuất chính phủ nên đưa ra nhiều chương trình ưu đãi thuế hơn để khuyến khích các gia đình sinh con.

Tại Diễn đàn “Phát triển và Trung Quốc” lần thứ ba tại Bắc Kinh, ông cho biết xu hướng thế hệ trẻ ngày càng ngại sinh con ở nước này, đồng thời kêu gọi đưa ra nhiều chương trình ưu đãi hơn về việc làm, chăm sóc y tế, an sinh xã hội và nhà ở để có thể khuyến khích người dân lập gia đình. Khi kêu gọi các biện pháp hỗ trợ sinh đẻ, các quan chức y tế Trung Quốc thường đề cập tới những vấn đề như gánh nặng nuôi con và mong muốn tập trung vào sự nghiệp của phụ nữ trẻ.

Việc từ bỏ chính sách một con vào năm 2016 của Trung Quốc đã cho thấy quốc gia đông dân nhất thế giới đang có những thay đổi mang tính bước ngoặt trong nỗ lực gia tăng tỷ lệ sinh, nhằm tránh nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. 

Tuy nhiên, theo ông Wang Pei'an, mức độ bảo vệ thai sản ở nước này vẫn còn rất thấp. Nếu không nỗ lực thúc đẩy nhu cầu kết hôn và sinh con, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn rất lớn để tăng tỷ lệ sinh. Một cuộc khảo sát năm 2021 ở Trung Quốc cho thấy phụ nữ sinh vào thập niên 1990 trả lời số con lý tưởng để sinh là 1,54, đối với những phụ nữ sinh vào thập niên 2000, con số này chỉ là 1,19.

Trong khi đó, tỷ lệ phụ nữ chưa từng có con tăng từ 6,1% năm 2015 lên gần 10% vào năm 2020. Theo CCTV, độ tuổi trung bình của một phụ nữ kết hôn lần đầu đã tăng từ 22 vào thập niên 1980 lên 26,3 vào năm 2020 và độ tuổi sinh con đầu lòng đã bị trì hoãn đến 27,2 tuổi.

Không chỉ nền kinh tế Trung Quốc quan ngại do dân số nước này suy giảm mà nền kinh tế toàn cầu cũng được dự báo sẽ không nằm ngoài sự tác động. Thực tế là nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng dựa vào lực lượng lao động nhà máy đông đảo của Trung Quốc để sản xuất hàng hóa. Người tiêu dùng nước này cũng là thị trường đang lên cho các hãng xe và hãng thời trang xa xỉ phương Tây. 

Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang được trông đợi sẽ tạo động lực tăng trưởng cho khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực. Sự phục hồi nhóm du lịch nước ngoài của Trung Quốc được dự báo sẽ giúp hồi sinh thị trường du lịch toàn cầu và thúc đẩy chi tiêu tại các điểm du lịch cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế. Theo ông Thomas Helbling, Phó giám đốc Vụ châu Á-Thái Bình Dương của IMF, tốc độ tăng trưởng cao hơn của Trung Quốc trong hai năm tới sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch và hàng không so với các lĩnh vực khác của nền kinh tế toàn cầu.

MAI NGUYÊN

Tags: Trung Quốc
Lượt xem: 13
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết