Nâng cao hiểu biết pháp luật trong học sinh, sinh viên
Thời đại công nghệ phát triển, giới trẻ có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin nhưng cũng đối mặt với những hệ lụy, nhất là khi không được trang bị nền tảng kiến thức pháp luật. Một số bạn trẻ hiện nay “vô tư” thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật gây ra hậu quả nghiêm trọng chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật.
Việc một bộ phận học sinh, sinh viên thiếu hiểu biết về pháp luật là một thực trạng đáng báo động. (Ảnh: BD) |
“Lỗ hổng” trong nhận thức về pháp luật
Mới đây, Phòng Công tác sinh viên và Phòng Thanh tra - Pháp chế, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) đã kết hợp tổ chức workshop về những vấn đề “nóng” mà sinh viên cần nhận biết.
Tại buổi workshop với đông đảo sinh viên tham gia, ThS. Hà Minh Ninh, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế đã đưa ra rất nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý mà sinh viên có khả năng vô tình vi phạm. Không ít câu chuyện đến từ chính thực tiễn của các bạn sinh viên.
Chẳng hạn, có trường hợp sinh viên A đã đăng tải các bài viết cùng với hình ảnh một người B vay nợ gia đình mình mà chây ỳ chưa trả lên mạng xã hội để “bóc phốt”. Sinh viên này đã được Phòng Thanh tra - Pháp chế giải thích về hành vi bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có nguy cơ bị xử lý theo pháp luật, đồng thời đã được tư vấn, hướng dẫn gia đình tìm đến sự trợ giúp của cơ quan pháp luật thay vì lên mạng đăng tải. Bên cạnh đó, ThS. Hà Minh Ninh cũng nêu một số trường hợp có thể vi phạm như nhận tiền để thi hộ...
“Tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật và của nhà trường là điều sinh viên nên làm. Khi cần sự trợ giúp hoặc tư vấn, sinh viên có thể tìm đến Phòng Công tác sinh viên, Phòng Thanh tra - Pháp chế, Văn phòng khoa hoặc các cơ quan công an xã, phường”, ông Hà Minh Ninh nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay cho thấy đang có một số “lỗ hổng” trong nhận thức về pháp luật của một bộ phận học sinh, sinh viên. Những hành vi vi phạm pháp luật từ đơn giản đến phức tạp vẫn diễn ra trong cộng đồng, bởi một bộ phận thanh, thiếu niên đang ngồi trên ghế nhà trường. Có thể kể đến những hành vi thường gặp nhất như học sinh điều khiển xe máy khi chưa có bằng lái và không đội mũ bảo hiểm, rủ nhau “đánh hội đồng” gây thương tích cho bạn bè, chia sẻ tin tức giả mạo để “câu view”, bôi xấu người khác trên mạng xã hội,...
Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội
Có thể thấy, việc một bộ phận học sinh, sinh viên thiếu hiểu biết về pháp luật là một thực trạng đáng báo động và hành vi vi phạm pháp luật của các em vẫn đang diễn ra trong đời sống hằng ngày mà chính các em cũng không nhận thức được.
Cách đây ít lâu, một sinh viên đã bị cơ quan chức năng triệu tập vì một hành vi mà em sinh viên ấy tưởng là rất “bình thường”, đó là dùng xe máy chở người nhà đi đánh ghen. Mặc dù chỉ “đứng vòng ngoài” hò hét, nhưng khi nhóm người nhà gây thương tích cho người bị đánh ghen, em sinh viên cũng bị triệu tập, đứng trước nguy cơ bị xử lý vì là đồng phạm trong vụ án gây thương tích nghiêm trọng cho người khác.
Chính vì thế, thay đổi nhận thức, bù đắp “lỗ hổng” pháp luật cho thanh, thiếu niên, quan trọng nhất vẫn là gia đình với vai trò nền tảng. Trước hết, bản thân các bậc cha mẹ phải tự trang bị cho mình những kiến thức căn bản về pháp luật để giáo dục định hướng cho con, hướng dẫn con phân biệt đúng, sai trong đời sống hàng ngày.
Vai trò của nhà trường cũng rất quan trọng, bởi trường học chính là nơi giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên. Các trường học nên tích hợp các kiến thức pháp luật vào chương trình học chính khóa và ngoại khóa. Những buổi chuyên đề, các câu lạc bộ pháp luật hay các phiên tòa giả định có thể giúp học sinh tiếp cận pháp luật một cách trực quan và sinh động hơn.
Trong nâng cao kiến thức pháp luật cho thanh, thiếu niên, vai trò của cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội là không nhỏ. Rất cần đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền pháp luật, tạo ra những kênh thông tin gần gũi, hấp dẫn để giới trẻ dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm các vi phạm để làm gương, răn đe và cảnh tỉnh.
Ở ngưỡng cửa bước vào đời, nếu được trang bị, nâng cao nhận thức pháp luật, giới trẻ sẽ có trong tay “kim chỉ nam” cần thiết để bước vào đời, tránh được những sai lầm không đáng có. Quan trọng hơn, điều này có thể giúp vun đắp một thế hệ có nhận thức, có hiểu biết, có trách nhiệm với bản thân và xã hội.