Tắt sóng 2G, thương mại hóa 5G - sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Sáng 26-12, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) chính thức công bố 10 sự kiện Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT) tiêu biểu năm 2024.
10 sự kiện tiêu biểu được bình chọn bởi gần 50 nhà báo đến từ hơn 40 cơ quan báo chí ở Việt Nam, cho thấy "bức tranh toàn cảnh" về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông ở nước ta năm 2024.
1 - Tắt sóng 2G, đưa 18 triệu thuê bao lên 4G
Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một trong những mục tiêu quan trọng của Việt Nam là xây dựng xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, với việc phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh vào năm 2025, tiến tới phổ cập dịch vụ mạng di động 5G vào năm 2030.
0 giờ ngày 16-10-2024, các nhà mạng tại Việt Nam đã hoàn tất việc tắt sóng 2G, chuyển toàn bộ thiết bị di động sang hoạt động trên nền tảng 4G. Đây là cột mốc quan trọng để Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu phổ cập 4G, 5G, thúc đẩy kinh tế số, đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau" trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Quang cảnh buổi công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2024. |
2 - Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu
Ngày 30-11-2024, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Dữ liệu với 94,15% đại biểu có mặt tán thành. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2025. Luật quy định việc thiết lập và vận hành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia thông qua Trung tâm Dữ liệu quốc gia, đặt dưới sự quản lý của Bộ Công an.
Luật Dữ liệu được kỳ vọng sẽ thiết lập thị trường dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; thay đổi phương thức giao tiếp giữa cơ quan Nhà nước với tổ chức, cá nhân trên môi trường số.
3 - Chính phủ ban hành Nghị định về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng
Ngày 9-11-2024, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP), đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành.
Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, được xây dựng hướng tới mục tiêu khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP, phù hợp với xu thế phát triển hội nhập công nghệ số, nội dung số và các dịch vụ internet, kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Việc ban hành Nghị định được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
4 - Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 21-9-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
5 - Chính phủ phê duyệt Chiến lược Hạ tầng số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Ngày 9-10-2024, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1132/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Hạ tầng số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025 phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình; 100% các tỉnh, thành phố và các khu công nghệ cao có dịch vụ di động 5G; triển khai tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển quốc tế mới; phát triển các trung tâm dữ liệu hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI); mỗi người dân sẽ có 1 kết nối IoT và 1 định danh số.
Mục tiêu đến năm 2030 hướng đến việc phủ sóng mạng di động 5G tới 99% dân số, triển khai thử nghiệm mạng 6G, phát triển 6 tuyến cáp quang biển quốc tế mới, nâng dung lượng cáp quang biển đạt tối thiểu 350 Tbps. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ xây dựng các trung tâm dữ liệu siêu lớn (Hyperscale Data Center), hỗ trợ phát triển các trung tâm dữ liệu khu vực, đưa số lượng kết nối IoT của Việt Nam đạt mức trung bình cao trên thế giới.
6 - Chính thức thương mại hóa 5G
Ngày 15-10-2024, Viettel thương mại hóa 5G, phủ sóng 100% thủ phủ của 63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học.
Ngày 20-12-2024, Tập đoàn VNPT công bố chính thức cung cấp dịch vụ VinaPhone 5G siêu tốc độ, siêu trải nghiệm; đặt mục tiêu tiếp tục phủ sóng 5G rộng hơn nữa trong năm 2025, sớm phủ sóng 85% dân số trong thời gian tới.
Từ ngày 20-12-2024, Tập đoàn VNPT công bố chính thức cung cấp dịch vụ VinaPhone 5G. |
MobiFone dự kiến thương mại hóa 5G vào đầu năm 2025, với mục tiêu phủ rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Trước đó, tháng 4-2024, Viettel đấu giá thành công, giành quyền sở hữu khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz). VNPT trúng đấu giá khối C2 (3.700-3.800 MHz). Tháng 7-2024, MobiFone trúng đấu giá băng tần 3.800-3.900 MHz.
Việc thương mại hóa 5G trên toàn quốc giúp cụ thể hóa mục tiêu phổ cập hạ tầng số quốc gia, thúc đẩy phát triển các ứng dụng số và hệ sinh thái dịch vụ số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.
Các dự báo cho thấy, đến năm 2030, 5G đem lại cho các nhà mạng Việt Nam doanh thu 1,5 tỷ USD. Năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3% đến 7,4%.
7 - Hợp nhất Bộ TT&TT và Bộ KH&CN để thúc đẩy chuyển đổi số
Việc Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ hợp nhất là một bước hiện thực hóa cuộc cách mạng chuyển đổi số, cũng như cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Việc hợp nhất nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, theo yêu cầu đã nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW. Việc hợp nhất cũng nhằm điều chỉnh hợp lý về phân công quản lý Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực, khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.
8 - Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030
Ngày 2-2-2024, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 142/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dữ liệu quốc gia đến năm 2030.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% các trung tâm dữ liệu quốc gia, trung tâm dữ liệu vùng, khu vực, trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao trên cả nước được bảo đảm kết nối thành công, tạo thành một mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của đất nước.
9 - Các ngân hàng thực hiện sinh trắc học để chống lừa đảo trực tuyến
Năm 2024, xác thực sinh trắc học trở thành “từ khóa chủ chốt” trong toàn ngành ngân hàng, khi đây được xác định là giải pháp quan trọng chống lừa đảo trực tuyến (online). Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1-7-2024, các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị hơn 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng, phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1-1-2025, các chủ tài khoản chưa hoàn tất việc cập nhật thông tin sinh trắc học sẽ không thể thực hiện giao dịch trực tuyến, chỉ được cung cấp dịch vụ tại quầy. Điều này đảm bảo tính bảo mật, củng cố sự tin tưởng của khách hàng đối với các giao dịch ngân hàng.
10 - "Gã khổng lồ" chíp bán dẫn NVIDIA mua cổ phần Vinbrain, mở 2 trung tâm nghiên cứu AI tại Việt Nam
Ngày 5-12, Tập đoàn NVIDIA ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ Việt Nam thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển (VRDC) và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam.
VRDC sẽ là một trong 3 trung tâm nghiên cứu phát triển AI lớn trên thế giới, bên cạnh thung lũng Silicon (Mỹ) và một trung tâm khác ở Đài Loan (Trung Quốc). Đồng thời, NVIDIA mua lại VinBrain (Vingroup) để phát triển một trung tâm thiết kế tại Việt Nam.
Đây là "cú hích" quan trọng, giúp Việt Nam có bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao trên thế giới đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn, đồng thời thu hút, giữ chân được nhiều nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn và AI.
VĂN PHONG