Chuẩn bị từ sớm, từ xa cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Công bố đề tham khảo, Quy chế thi và các công tác chuẩn bị khác đều được Bộ GD&ĐT thực hiện sớm, xa hơn với tinh thần tích cực, kỹ lưỡng.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương. |
Nhiều công việc được chuẩn bị sớm hơn
- Ông có thể chia sẻ công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đến thời điểm này?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình GDPT 2018, với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những Kỳ thi trước.
Kỳ thi được phân cấp, phân quyền giao chủ động cho các địa phương trong việc tổ chức các khâu của kỳ thi. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm ban hành quy chế, hướng dẫn và ra đề thi chung trên toàn quốc và phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo Kỳ thi được tổ chức công bằng, khách quan, an toàn, có kết quả tin cậy để xét tốt nghiệp THPT, đánh giá quá trình dạy và học và cho phép thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 7/10/2024 để tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025.
Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ngay từ cuối năm 2023; đã ban hành định dạng cấu trúc đề thi, đề thi tham khảo tất cả các môn thi tốt nghiệp theo hướng phù hợp với đánh giá năng lực học sinh; tập huấn đội ngũ cán bộ giáo viên trong toàn quốc về ra câu hỏi thi, tổ chức thi, tập huấn kỹ thuật cho các địa phương; tăng cường thử nghiệm trên phạm vị rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của Kỳ thi…
Để có hành lang pháp lý cho tổ chức Kỳ thi, ngày 24/12/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGD&ĐT về Quy chế thi tốt nghiệp THPT.
So với những năm trước, việc công bố đề thi tham khảo, Quy chế thi, các công tác chuẩn bị khác đều được Bộ GD&ĐT thực hiện sớm hơn, xa hơn với tinh thần tích cực và kỹ lưỡng.
Bảo đảm quyền lợi của thí sinh
- Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã được Bộ GD&ĐT ban hành. Quy chế này có những điểm mới nào liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi của thí sinh, thưa ông?
Các quy định về trách nhiệm, quyền lợi thí sinh cơ bản được giữ ổn định như quy định trước đây, nhất là các năm 2023, 2024. Với quy định mới, thí sinh cũng cần lưu ý một số nội dung.
Cụ thể, khi dự thi bài thi tự chọn thí sinh phải có mặt tại điểm thi ngay từ đầu buổi thi và chỉ được ra khỏi điểm thi khi hết giờ thi bài thi tự chọn (kết thúc cả 2 môn thi tự chọn). Trước đây thí sinh chỉ thi môn thi thứ 2 trong bài thi tự chọn thì có thể đến trước giờ thi môn thi thứ hai 15 phút. Tuy nhiên từ năm 2025, thí sinh phải đến ngay từ đầu buổi thi.
Thí sinh học Chương trình GDPT 2018 chỉ được đăng ký các môn thi trong số các môn thí sinh được học ở lớp 12.
Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu vẫn được phép sử dụng để miễn thi nhưng không được quy đổi thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây. Người có đủ điều kiện miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng vẫn muốn tham gia thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp thì phải sử dụng kết quả thi môn Ngoại ngữ để tính điểm tốt nghiệp THPT.
Thí sinh sẽ không được cộng điểm nghề như trước đây. Nội dung này nhằm phù hợp với Chương trình GDPT 2018, đồng thời tạo sự bình đẳng bởi học sinh tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và thường xuyên đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp.
Từ năm 2025, các thí sinh là người nước ngoài học THPT tại Việt Nam được phép sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp.
- Riêng với những thí sinh học Chương trình GDPT 2006 chưa tốt nghiệp THPT và sẽ dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được bảo đảm quyền lợi thế nào?
Trong Thông tư số 24/2024/TT-BGD&ĐT ngày 24/12/2024 ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã có điều khoản cụ thể nêu rõ việc chuyển tiếp riêng về vấn đề này. Cụ thể:
Trong năm 2025 Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức xây dựng 2 bộ đề thi (1 bộ đề thi theo Chương trình GDPT 2006 và 1 bộ đề thi theo Chương trình GDPT 2018).
Các thí sinh học theo Chương trình GDPT 2006 và trước đó, chưa tốt nghiệp sẽ được dự thi với đề thi được xây dựng theo Chương trình GDPT 2006 (tương tự như đề thi năm 2024 và các năm trước đó).
Các thí sinh học theo chương trình GDPT 2006, đã tốt nghiệp THPT nhưng có mong muốn dự thi năm 2025 để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng có thể chọn để dự thi theo đề thi của Chương trình GDPT 2006 hoặc đề thi theo Chương trình GDPT 2018.
Việc tổ chức thi cho các thí sinh dự thi theo đề thi của Chương trình GDPT 2006 sẽ được giữ ổn định như năm 2024.
Lưu ý tổ chức các môn thi lựa chọn
- Với việc thí sinh được lựa chọn 2 môn thi, việc sắp xếp phòng thi sẽ phức tạp hơn. Bộ GD&ĐT có sự chuẩn bị ra sao với khó khăn này?
Do số lượng môn thi trong Kỳ thi tăng so với trước đây và thí sinh được phép chọn 2 môn để dự thi bài thi tự chọn do đó việc sắp xếp phòng thi sẽ phức tạp hơn, công tác coi thi sẽ có nhiều điểm mới.
Trong quá trình xây dựng Quy chế thi, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều đợt thực nghiệm để tối ưu hóa từ quy trình như bóc đề thi, phát đề thi, thu bài thi cũng như thử nghiệm hệ thống sắp xếp phòng thi.
Những khó khăn phức tạp này sẽ chỉ ở cấp quản lý và trong ngành Giáo dục, còn đối với thí sinh thì mọi cách thức sẽ được triển khai bảo đảm thuận lợi hơn, dễ dàng hơn so với những năm trước đây.
Ví dụ từ năm 2024 trở về trước, các thí sinh có thể phải thay đổi phòng thi sau mỗi buổi thi, điều này gây khó khăn và vất vả cho thí sinh trong việc theo dõi. Tuy nhiên từ năm 2025, thí sinh sẽ chỉ dự thi tại một phòng thi cố định duy nhất trong suốt các buổi thi.
Tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các khâu tổ chức thi
- Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các khâu tổ chức Kỳ thi đã phát huy kết quả tốt trong những năm qua. Việc này sẽ được tiếp tục ở Kỳ thi năm 2025 ra sao?
Đúng là ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các khâu tổ chức thi là nội dung đã được làm rất tốt từ năm 2023, 2024 với sự phối hợp chặc chẽ hiệu quả giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Công an, các địa phương trong khâu đăng ký dự thi trực tuyến và xác thực thông tin đăng ký trực tuyến.
Từ năm 2025, tất cả các thí sinh đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến (kể cả thí sinh tự do, các năm trước đăng ký bản giấy).
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan khác để tiếp tục tích hợp và liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu để giảm thiểu các hồ sơ thí sinh phải nộp đặc biệt là các hồ sơ minh chứng để hưởng chế độ ưu tiên chính sách.
Năm 2025, lần đầu tiên trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT có thêm phương thức vận chuyển đề thi từ địa điểm Hội đồng ra đề thi tới điểm in sao đề thi của 63 tỉnh thành qua hệ thống đường truyền mã hoá và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Đây là một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào các khâu trọng yếu của quy trình tổ chức Kỳ thi. Phương thức vận chuyển đề thi mới này giúp chuyển đề thi gốc nhanh, kịp thời, giảm bớt được thời gian và nhân sự vận chuyển đề thi như phương pháp truyền thống đang áp dụng. Đây cũng là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa và quan trọng trong việc thực hiện phương án thi theo lộ trình chuyển đổi hình thức từ thi trên giấy sang thi trên máy tính đã công bố.
- Xin cảm ơn ông!