• :
  • :

Lớp học tình thương giữa lòng thành phố

“Lớp học i tờ” thường để chỉ giảng đường của những nhà giáo xưa, tại những nơi giáo dục còn khó khăn, dù không có lương nhưng thầy cô vẫn tìm tòi mở lớp, dạy học cho các thế hệ học sinh. Đến nay, khi đất nước ta đang trên cơ đồ phát triển mạnh mẽ, giữa Thành phố mang tên Bác phồn hoa vẫn có một “lớp học i tờ” do cô Nguyễn Thị Anh (sinh năm 1951, ngụ phường 5, quận 6, TP Hồ Chí Minh) đứng lớp.

Cô Nguyễn Thị Anh vốn đam mê với nghề giáo, nhưng vì nối nghiệp gia đình nên cô đành gác lại ước mơ để trở thành thợ may. Năm 1996, Chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè” do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức đã mở ra cho cô cơ hội được đứng trên bục giảng. Vì không có nghiệp vụ sư phạm, cô Anh chỉ có thể đứng trợ giảng nhưng vẫn kiên trì bám lớp suốt 15 năm. Trong một lần tham gia họp tổ dân phố, biết đến các em mồ côi, cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn không được đến lớp, lòng trắc ẩn và tình yêu học trò trong cô Anh trỗi dậy, tiếp cho cô dũng khí đề nghị với UBND phường 5 mở lớp học tình thương. “Thấy bản thân đã có kinh nghiệm dạy học, cùng với tâm niệm mỗi đứa trẻ sinh ra đều xứng đáng được học hành, nên tôi muốn mang kiến thức đến với các em. Chỉ có con đường học mới giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn”, cô Nguyễn Thị Anh chia sẻ.

  Ở tuổi 73, cô Nguyễn Thị Anh vẫn ân cần hướng dẫn, dạy bảo học sinh.

Được sự hỗ trợ từ lãnh đạo địa phương cùng Ban giám hiệu Trường Tiểu học Bình Tiên, lớp học miễn phí của cô Nguyễn Thị Anh đã đi vào hoạt động từ năm 2014. Ở tuổi của cô, đáng lẽ được ở nhà nghỉ ngơi, quây quần cùng con cháu, nhưng cô vẫn tự mình đến tận nhà vận động các em đến lớp học. Cô cho phụ huynh biết lớp học miễn phí; tài liệu học tập, văn phòng phẩm đều được chính UBND phường 5 và Trường Tiểu học Bình Tiên hỗ trợ toàn bộ, giúp tháo gỡ mối lo ngại canh cánh trong lòng các bậc phụ huynh.

Ngoài dạy các môn học như Toán, Tiếng Việt... cô Anh còn tổ chức sinh hoạt văn nghệ, hướng dẫn kỹ năng sinh hoạt đội, nhóm, rèn luyện cho các em sự tự tin trước đám đông. Cô Anh cũng cởi mở giáo dục giới tính cho các em, giúp các em trang bị kiến thức bảo vệ bản thân. Đến nay, cô Anh đã giúp hơn 1.000 học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và xóa mù chữ. Cô dạy đều đặn, trung bình mỗi năm lớp học chào đón 100 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh với độ tuổi từ 8 đến 22.

Được biết, lớp cô Anh có em học sinh tên Dương Thanh Huê, không may mắc chứng tự kỷ, từng phải nghỉ học tại trung tâm giáo dục chuyên biệt do khó hòa nhập. Chị Trần Thị Kim Phương, mẹ của em Dương Thanh Huê, tâm sự: “Con tôi đã gắn bó với lớp cô Anh được 4 năm. Cô Anh đã tạo điều kiện cho tôi vào ngồi học cùng con, từ đó tôi có thể kiểm soát, xoa dịu cảm xúc của con, giúp con tập trung học tập. Mặc dù con tôi học hôm nay, ngày mai lại quên hết bài, nhưng cô Anh vẫn kiên nhẫn giảng dạy. Tôi rất biết ơn cô Anh vì đã mở ra cho con tôi cơ hội học tập như bao đứa trẻ bình thường khác”.

Bà Trương Tuyết Lan, Phó chủ tịch UBND phường 5 cho biết: “Lớp học của cô Anh đã thắp sáng tương lai cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, góp phần chung tay cùng chính quyền địa phương trong phong trào xây dựng xã hội học tập và công tác khuyến học, khuyến tài”. Cô Nguyễn Thị Anh đã được vinh danh “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước TP Hồ Chí Minh lần thứ 5, năm 2022.

Bài và ảnh: BẢO NGÂN

Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...