Đề xuất hợp lý với người mắc bệnh hiểm nghèo
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đang được lấy ý kiến rộng rãi trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế đến ngày 16-10-2024.
Một trong nhiều nội dung được đề cập trong dự thảo nhận được sự đồng tình cao của dư luận là đề xuất quy định hưởng BHYT 100% trong phạm vi mức hưởng đối với người bệnh được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo. Cùng với đó, dự thảo cũng đề xuất những bệnh chỉ có cơ sở y tế chuyên môn tuyến cuối mới điều trị được, người bệnh không cần xin giấy chuyển tuyến theo trình tự.
Đề xuất này được nhiều ý kiến đánh giá là phù hợp thực tiễn, mang tính nhân văn, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của Đảng, Nhà nước trong chính sách an sinh xã hội. Đối với người bệnh, đề xuất nếu được thông qua sẽ không chỉ giúp giảm gánh nặng chi phí, tạo tâm lý, tinh thần tốt mà còn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để người bệnh về tuyến cuối chữa bệnh.
Ảnh minh họa / Vietnam+ |
Trong danh mục bệnh hiểm nghèo theo quy định hiện hành có nhiều loại như: Ung thư, đột quỵ, ghép cơ quan (ghép tim, gan, thận), bỏng nặng, Alzheimer, chấn thương sọ não nặng, suy gan, suy thận, Lupus ban đỏ... Những gia đình có người thân mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo thấu hiểu hơn ai hết nỗi thống khổ mà bệnh tật gây ra.
Hao tốn không kể xiết về công sức, tâm lý, tiền của khiến rất nhiều gia đình khánh kiệt. Trong khi đó, nỗi đau bệnh tật không phải là ngày một ngày hai mà có khi dai dẳng nhiều năm tháng và phụ thuộc chính vào khả năng kinh tế của gia đình. Nhiều bệnh nhân vì khó khăn về kinh tế, thậm chí không có thẻ BHYT nên không thể tiếp cận được các biện pháp điều trị hiệu quả cao cũng như không đủ khả năng theo đuổi những phương pháp điều trị tiên tiến. Bởi thế, nếu người bệnh được BHYT chi trả ở mức cao nhất trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định là vô cùng nhân văn.
Có thể hiểu Quỹ BHYT như một cái bánh, nếu thêm chỗ này sẽ phải bớt chỗ kia và đó là bài toán khó để hài hòa. Cùng với đó, mức đóng BHYT tại Việt Nam còn thấp nhưng phạm vi quyền lợi đã được mở rộng hơn nhiều quốc gia có mức đóng và điều kiện kinh tế tương đương. Tuy vậy, bệnh tật là điều không ai mong muốn và việc cộng đồng số đông chia sẻ nhiều hơn với người bệnh nặng nhất, khó khăn nhất cũng là điều hợp lý.
Cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất, với điều kiện kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, cùng với nghiên cứu mức đóng thì việc sử dụng Quỹ BHYT phù hợp, tiết kiệm để chi hợp lý, tránh bị trục lợi trong khám, chữa bệnh cần có sự hỗ trợ thêm từ nguồn khác như ngân sách, các nhà hảo tâm, tổ chức tài trợ... để chi trả cho những trường hợp có chi phí cao, sử dụng kỹ thuật tiên tiến trong điều trị những bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo.
HÀ MY