• :
  • :

Hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp

Dịp lễ 30-4 năm nay, TP Hồ Chí Minh sẽ khởi công 4 dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân với quy mô hơn 3.000 căn.

Đây là một phần trong kế hoạch phát triển nhà trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Hiện tại, UBND TP Hồ Chí Minh đã xác định mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Hiện nay, việc bám sát và thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30-1-2022, trong đó nhấn mạnh công tác bảo đảm an sinh xã hội và đời sống (trong đó có nhà ở) của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế... là mục tiêu quan trọng của các địa phương. Ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tỷ lệ người thu nhập thấp (chủ yếu là công nhân, người lao động, người nhập cư...) phải thuê nhà trọ khá đông. Họ là lực lượng lao động trực tiếp góp phần làm ra của cải cho xã hội, đóng góp công sức xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.

Dự án nhà ở xã hội Đồng Mồ-Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Trên thực tế, đời sống của công nhân, người lao động còn gặp không ít khó khăn, nhất là chỗ ở, vừa chật chội, thiếu không gian cần thiết, vừa xa nơi làm việc. Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã cho thấy, càng những nơi chật hẹp, chung cư cũ, khu nhà trọ ẩm thấp... thì dịch bệnh càng lây lan mạnh, khó khống chế, gây tổn thất lớn về người và của. Bài học đắt giá ở TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận đặt ra yêu cầu cấp thiết phải hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp. Việc làm này không chỉ bảo đảm an sinh tốt hơn cho người lao động, thể hiện sự quan tâm của thành phố với những đóng góp của họ mà còn thiết thực động viên công nhân, người lao động nỗ lực cống hiến vì thành phố.

Để hoàn thành các dự án, ngoài ngân sách nhà nước, cần có đủ nguồn lực và quy hoạch xây dựng hợp lý, bảo đảm các dịch vụ thiết yếu cho đời sống, sinh hoạt thường ngày của người thu nhập thấp. Theo nhiều chuyên gia, các đô thị lớn ở nước ta cần bố trí quỹ đất, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp chung tay với chính quyền xây dựng nhà ở xã hội... Điều này phải có cơ chế, chính sách cụ thể để doanh nghiệp tham gia và thu hút dòng vốn đầu tư một cách hiệu quả, bền vững. Cùng với đó là quy trình tính toán khoa học trong quy hoạch đề án xây dựng sao cho hợp lý, thi công bảo đảm chất lượng; tránh lặp lại tình trạng nhà ở xã hội xây dựng xong bỏ hoang, “đắp chiếu” không có người ở, gây lãng phí tiền của như đã xảy ra ở không ít địa phương.

Bài toán tổng thể này không chỉ đơn giản nằm trong các đồ án thiết kế mà là vấn đề nhận thức và trách nhiệm của chính quyền cùng các ban, ngành liên quan; phải có tâm và có tầm ngay từ khi triển khai quy hoạch, xây dựng, giám sát thi công... nhà ở xã hội.

Mục tiêu của TP Hồ Chí Minh xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội mang tính nhân văn, thiết thực hỗ trợ người thu nhập thấp. Song, dù là nhà ở cho người thu nhập thấp, cũng cần hội đủ các yếu tố: Vị trí; không gian tổng thể nơi ở; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực; chất lượng tòa nhà, căn hộ và khả năng sinh kế... chứ không chỉ đơn thuần là vài tòa nhà trơ trụi. Cho nên, để mục tiêu trở thành hiện thực cần quyết tâm cao, trách nhiệm lớn và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp... chung tay chăm lo, hỗ trợ người lao động trên địa bàn.

YẾN LONG

Tags: qdnd
Lượt xem: 134
Tác giả: Mai Phương Thảo