Lựa chọn môn học ở cấp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018
Cấp trung học phổ thông yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập.
Thực hiện Nghị quyết 88, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018) được xây dựng ở cấp trung học phổ thông, gồm 7 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng an ninh, Nội dung Giáo dục Địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp).
Cấp trung học phổ thông yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập (ảnh: Internet) |
Bên cạnh đó, học sinh được lựa chọn 5 trong 10 môn học được thiết kế theo 3 nhóm tương ứng với 3 định hướng nghề nghiệp đó là: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và Pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Công nghệ, Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).
Học sinh sau THCS căn cứ vào năng lực, sở trường, sở thích của bản thân lựa chọn một trong 3 định hướng trên khi học lên THPT để chuẩn bị cho hướng đi sau này.
Trong chương trình các môn học cấp THPT, ngoài phần nội dung cơ bản, mỗi môn học có các chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học); Mỗi học sinh lựa chọn 3 cụm chuyên đề thuộc 3 môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp (tổng thời lượng 105 tiết/năm học).
Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT đã quy định: "Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.".
Năm 2020, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020), đồng thời đã tổ chức tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên về việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (mô đun 4 trong số 9 mô đun, đối tượng tại Quyết định 4660).
Quá trình tập huấn, triển khai thời gian qua đã có nhiều ví dụ cụ thể về việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường; Trong đó, các trường tham gia tập huấn căn cứ vào điều kiện thực tiễn của trường xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn theo 3 định hướng của chương trình, phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường.
Trên cơ sở 3 tổ hợp chính, mỗi tổ hợp ngoài các môn thuộc 3 nhóm theo định hướng trong chương trình thì các môn còn lại được lựa chọn từ 2 nhóm khác cần bảo đảm sự phù hợp để bảo đảm thuận lợi cho học sinh học tập.
Như vậy, với mỗi định hướng có thể có 1-2 tổ hợp có cùng các môn thuộc nhóm chính và các môn khác thuộc 2 nhóm còn lại. Số tổ hợp và số lớp, mỗi tổ hợp do nhà trường quyết định bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường.
Với cách này, các trường cần xây dựng từ 3 đến 6 tổ hợp để chuẩn bị cho năm học tới để cho học sinh lựa chọn để học tập. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tư vấn định hướng cho học sinh lựa chọn một trong các tổ hợp trên.
Sau khi đã xây dựng được các tổ hợp môn học lựa chọn, số lớp/mỗi tổ hợp mà trường có thể đáp ứng, các trường phải công bố sớm, rộng rãi để học sinh, cha mẹ học sinh hiểu rõ và quyết định đăng kí, lựa chọn.
Đây cũng là vấn đề các địa phương cần quy định trong phương án tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT. Ngoài việc cho học sinh đăng kí theo nguyện vọng, học sinh rất cần vai trò tư vấn, định hướng của các nhà trường, cha mẹ để hiểu rõ ý nghĩa của việc chọn cả tổ hợp chứ không phải từng môn.
Qua thực tế kiểm tra của Bộ GD&ĐT và báo cáo của địa phương, hiện nay, nhiều nơi đã chủ động tổ chức rà soát nhu cầu của học sinh lớp 9, xây dựng tổ hợp môn lựa chọn ở lớp 10 theo điều kiện cụ thể của từng trường THPT. Ngoài các văn bản đã ban hành trước đây, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện hướng dẫn một số nội dung cụ thể về việc lựa chọn môn học ở bậc THPT để hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục triển khai thực hiện.
Đối với môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở THPT lần đầu tiên được đưa vào Chương trình GDPT 2018 nên các trường THPT chưa có sẵn giáo viên. Việc chuẩn bị giáo viên các môn học này cho cấp THPT đang được các địa phương thực hiện theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 và điều kiện thực tiễn của địa phương.