• :
  • :

Góc nhìn giáo dục: Giải “cơn khát” giáo viên

Năm học 2022-2023, Trường THPT số 3 Lào Cai (tỉnh Lào Cai) không thể bố trí tổ hợp có môn Nghệ thuật và Âm nhạc để dạy cho học sinh lớp 10 Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, bởi... không có giáo viên.

Chia sẻ trăn trở đó với tôi, thầy Hồ Vương Thái, Hiệu trưởng nhà trường cho hay dù điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của những học sinh có nhu cầu học các môn học này, cũng như mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, nhưng với đội ngũ biên chế hiện có, nhà trường không thể đáp ứng được.

Thiếu giáo viên là tình trạng chung, tồn tại từ nhiều năm nay ở các địa phương, ngay cả thời điểm trước khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Không để tình trạng này kéo dài, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 trong đó có gần 66.000 giáo viên được bổ sung. Năm học 2022-2023, việc tuyển bổ sung được 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản về nguồn nhân lực là tín hiệu tích cực cho ngành giáo dục để triển khai chương trình mới.

Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế cả về lượng và chất trước yêu cầu đổi mới giáo dục. Ngày càng có ít thí sinh có học lực tốt muốn thi vào ngành sư phạm. Không ít nhà trường băn khoăn liệu có tuyển được đủ, đúng những giáo viên đạt chuẩn để giải “cơn khát” giáo viên, bảo đảm quyền lợi cho học sinh. Thực tế nhiều địa phương cho thấy, chỉ tiêu biên chế có nhưng tuyển bổ sung lại không dễ. Năm nay, tỉnh Quảng Nam mới nhận được 1.640 hồ sơ đăng ký trên 2.500 chỉ tiêu, tỉnh Cao Bằng có 300 chỉ tiêu, Lào Cai có 500 chỉ tiêu, nhưng số hồ sơ đăng ký thi tuyển cũng mới đạt hơn 50%. Chưa kể, sau quá trình thi tuyển, nhiều vị trí chỉ có khoảng 30% ứng viên trúng tuyển, thậm chí ở một số môn học như Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học, Ngoại ngữ nhiều nơi không có ứng viên nào ứng tuyển.

Theo kết quả khảo sát thực trạng năng lực dạy học của giáo viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tuy giáo viên đã có những năng lực cần thiết để đáp ứng với yêu cầu đổi mới GDPT, nhưng số giáo viên có năng lực vững chắc chỉ đạt khoảng 20%. Gần 60% giáo viên cho rằng không vững chắc về năng lực dạy học tích hợp, lồng ghép, liên môn. Đây là những thách thức lớn về nguồn lực cho chương trình mới hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực của người học.

Quyết định bổ sung biên chế giáo viên đã tạo “cú hích” cho các trường đào tạo giáo viên, thu hút sinh viên có học lực tốt vào các trường sư phạm. Tuy nhiên, để công cuộc cải cách thành công, công tác giáo viên cần phải chuẩn bị trên nhiều phương diện khác nhau và có lộ trình dài hơi, toàn diện.

Trước tiên, giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên phải đồng bộ cùng với làm rõ trách nhiệm từ Trung ương tới địa phương, giữa các bộ, ngành liên quan. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành môn học mới, đào tạo giáo viên dạy liên môn trước khi triển khai chương trình, tránh việc “nước đến chân mới nhảy” như hiện nay.

Sau đó, ngành giáo dục cần khảo sát và có lộ trình cụ thể về việc xây dựng các tổ hợp để chuyển từ lựa chọn theo “định hướng” của nhà trường về đúng bản chất “lựa chọn” đối với học sinh.

Sau cùng là xác định nhu cầu sử dụng giáo viên theo từng trình độ, môn học, cấp học để có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, bảo đảm về số lượng, chất lượng. Cơ cấu từng môn học, cấp học phải bảo đảm phương châm: Ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên; ở đâu có học sinh, ở đó phải có trường lớp; bảo đảm cơ hội tiếp cận bình đẳng giáo dục của tất cả trẻ em, học sinh.

KHÁNH HÀ

Lượt xem: 52
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết