Giáo dục truyền thống ở một dòng họ văn hóa
Chi tộc Đặng Hữu (dòng dõi họ Đặng Việt Nam) ở xã Hạnh Lâm đã đạt danh hiệu “Dòng họ văn hóa” do UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) trao năm 2024 vì có hoạt động giáo dục lịch sử truyền thống thiết thực, hiệu quả.
Chi tộc Đặng Hữu thành lập Tổ giáo dục, giao ông Đặng Hữu Dũng (thuộc đời thứ tư, cựu cán bộ tuyên huấn Quân đội, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Chiến công hạng Nhì trong Chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị năm 1972, Huân chương Chiến công hạng Ba trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975) phụ trách. Đối tượng giáo dục là mọi thành viên trong chi tộc. Nội dung bao quát quá trình ra đời, phát triển của dòng họ, động viên con cháu xây dựng quê hương giàu mạnh. Phương pháp giáo dục giản dị, hấp dẫn.
Mỗi dịp rằm tháng Giêng, toàn chi tộc tề tựu tại nhà thờ cúng tổ tiên, nghe các bậc cao niên nói về lịch sử phát triển của dòng họ. Ông Đặng Hữu Dũng trịnh trọng truyền đạt: “Cụ tổ chi tên là Đặng Hữu Học, sinh ra tại Thuận Sơn (Đô Lương, Nghệ An). Cụ là bậc túc nho, năng động, ham khai sáng. Sau lần đỗ đạt tại kỳ thi Đình thời vua Thiệu Trị (1841-1847), cụ theo nghề dạy học, châm cứu, bốc thuốc trị bệnh giúp người, nguyện tạo đức dày cho đời sau. Khoảng năm 1885, cụ cùng cụ bà đến vùng đất hoang vu Hạnh Lâm. Thấy có điểm Cây Sy (nơi nhà thờ chi tộc hiện nay) vượng khí, cụ quyết định để người con cả Đặng Hữu Khiên ở lại Thuận Sơn và đưa người con thứ Đặng Hữu Tá lên vùng này định cư. Cụ Tá sinh 6 người con (4 trai, 2 gái) theo giữ gia phong. Con cháu được tiền nhân dạy đủ điều tâm phúc, phát triển không ngừng.
![]() |
Thế hệ trẻ của Chi tộc Đặng Hữu tại Lễ đón nhận danh hiệu “Dòng họ văn hóa” năm 2024. |
Tổng quan về nguồn cội xong, Tổ giáo dục hướng dẫn con cháu tham quan ngôi nhà cụ cố Đặng Hữu Ích (con cụ Tá) làm từ năm 1930, đến nay vẫn còn nguyên kết cấu; thăm gia đình ông Đặng Hữu Mai (1955-2018), gian giữa nhà, dưới nơi treo ảnh Bác Hồ là tấm bằng chứng nhận Gia đình văn hóa, bảng đề 10 chữ vàng “Phát huy truyền thống nét đẹp văn hóa Việt Nam”...
Với những sự kiện khác nhau, sau khi truyền đạt đại cương tộc phả là giáo dục mang tính chất chuyên đề. Tiễn con em nhập ngũ, Tổ giáo dục có kể chuyện truyền thống yêu nước: Sáng 1-5-1930, chi tộc cùng nhân dân Hạnh Lâm mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động rồi tiến đến đốt phá đồn điền tư sản Ký Viễn, “góp gió” thổi bùng cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các thế hệ thuộc chi tộc hầu hết là cán bộ, đảng viên, chiến sĩ ra trận. Ông Đặng Hữu Vĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Các ông Đặng Hữu Sửu, Đặng Hữu Thông, Đặng Hữu Cường, Đặng Hữu Dũng được trao tặng Huy hiệu 50 năm, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng...
Đầu năm học mới, ngoài biểu dương khuyến học, Tổ giáo dục còn nêu những tấm gương “khoa bảng” thuộc chi tộc Đặng Hữu, hiện tại gồm 3 tiến sĩ, 5 thạc sĩ, hàng chục cử nhân đại học, 38 học sinh giỏi các cấp được ghi tên vào sổ vàng truyền thống, tạo nguồn cảm hứng cho lớp sau rèn luyện, tu dưỡng, noi gương theo cha anh.
Các tấm gương tự lực, tự cường trong chi tộc có ý nghĩa tiếp thêm động lực giúp thế hệ trẻ phấn đấu làm giàu, góp phần dựng xây đất nước được nêu bật công trạng. Tiêu biểu là cụ Đặng Hữu Ích, một nhà nông giỏi từng bán 7 con trâu lấy tiền đấu giá công trái quốc gia toàn huyện Thanh Chương năm 1952, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Lãnh đạo huyện tổ chức rước ảnh Bác Hồ và cờ luân lưu về tận nhà cụ. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cụ đón nhiều cơ quan Nhà nước, xưởng vũ khí của Quân đội ta đến ở và hoạt động.
Về phát triển kinh tế, hiện nay, trang trại của các ông: Đặng Hữu Hạnh, Đặng Hữu Lực, Đặng Hữu Đương thu nhập từ 200 đến 500 triệu đồng mỗi năm từ nuôi lợn, thủy sản và cây nguyên liệu giấy... Các mô hình kinh doanh hàng hóa của anh Đặng Hữu Quân, Đặng Hữu Nguyên và mô hình kinh doanh vận tải của anh Đặng Hữu Hưng... thu nhập hàng tỷ đồng/năm, đưa số hộ giàu chiếm 37%, số hộ khá chiếm gần 50%, không có hộ nghèo.
Để tạo cảm hứng, người kể chuyện nêu vấn đề: Tại sao có thành quả ấy? Là bởi Hội đồng chi tộc phối hợp với Ban công tác Mặt trận xóm 3 tham mưu cho Ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo của xã có chính sách hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, anh em vận động giúp đỡ nhau...
Nền nếp giáo dục truyền thống là một trong những động lực để Chi tộc Đặng Hữu đời nối đời tu dưỡng, an khang thịnh vượng. Tại Lễ trao danh hiệu Dòng họ văn hóa cho Chi tộc Đặng Hữu, đồng chí Lê Đình Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương khẳng định: “Dòng họ Đặng Hữu-Hạnh Lâm trở thành niềm tự hào không chỉ của dòng tộc mà còn là niềm vui chung của địa phương. Lãnh đạo huyện gửi trọn niềm tin và kỳ vọng vào sự phát triển phồn thịnh của dòng họ Đặng Hữu”.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG