• :
  • :

Giáo dục STEM tạo cơ hội bình đẳng cho mọi học sinh

Là một thành viên tích cực của Liên minh STEM (STEM là viết tắt của các từ: Science-khoa học, Technology-công nghệ, Engineering-kỹ thuật, Mathematics-toán học), kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn cho rằng, giáo dục STEM không khó, ai cũng có thể học và làm được, chỉ có điều có nhận thức và quyết tâm hay không?

Cuộc chơi của sáng tạo và đam mê

Để chứng minh cho nhận định của mình, kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn đưa chúng tôi đến Giải đấu giao hữu robotics cấp quốc gia sử dụng VEX IQ-National robotics tournament 2022 lần đầu tiên được Tổ chức STEAM for Vietnam, Trung tâm Hoa Kỳ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (thuộc Đại sứ quán và Lãnh sự quán Hoa Kỳ) cùng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức vào cuối tháng 9-2022. Tại đây, chúng tôi được gặp những bạn nhỏ đầy tự tin, năng động như hai anh em ruột của đội Switch Lê Phan Anh (lớp 7B2) và Lê Phương Anh (lớp 5B1), Trường Vinschool (Hà Nội). Nói tiếng Anh lưu loát, sử dụng từ kỹ thuật không chút vướng víu, Lê Phương Anh cho biết: “Đam mê lập trình của hai anh em bắt đầu khi cháu học lớp 1 được mẹ mua cho bộ thử nghiệm. Giải đấu này, chúng cháu cũng không có nhiều thời gian chuẩn bị do vừa từ Bangkok (Thái Lan) trở về sau cuộc thi hùng biện tiếng Anh. Vì thế, trong giải đấu này, cháu chỉ dự định đi thi để lấy kinh nghiệm nhưng không ngờ chúng cháu lại giành giải thưởng nên rất vui”.

 Các đội thi tại Giải đấu giao hữu robotics cấp quốc gia sử dụng VEX IQ - National robotics tournament 2022.Ảnh: KIỀU HẠNH.

Gây ngạc nhiên hơn nữa là có nhiều học sinh đến từ các tỉnh miền núi khó khăn, như: Cao Bằng, Sơn La, Gia Lai, Đắc Nông... Điều thú vị là họ tham gia giải đấu với tinh thần cởi mở và trong số đó, nhiều đội giành chiến thắng. Theo một thành viên của đội CVA Steam Crew thuộc Trường Tiểu học, THCS và THPT Chu Văn An (Sơn La) chia sẻ: Cảm xúc khi tham gia trực tiếp vào cuộc thi thật khó diễn tả, rất sôi động, rất kịch tính. Trước khi đến với giải đấu, các em tự tin với sự chuẩn bị của mình. Nhưng ngày tổng duyệt trước cuộc thi, các em khá bất ngờ trước sức mạnh của các đội bạn. Robot của họ linh hoạt, nhỏ gọn, cơ cấu bắn tốt, lấy đĩa nhanh. Trong khi đó, robot của đội lại gặp trục trặc. Rất may là cuối cùng đội đã thành công và giành Giải truyền thông.

Chưa giành được những giải chính thức nhưng với bạn Mông Đàm Dung Nguyên, học sinh Trường THPT chuyên Cao Bằng thì cả đội “thu hoạch” được nhiều trải nghiệm, cách giải quyết vấn đề, giữ tâm lý bình tĩnh, tinh thần đồng đội... Cô gái bỏ cả kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh để đến với giải đấu còn ví von rằng: “Ở đây, tôi được gặp nhiều Bill Gates tương lai”.

Chiến khu cách mạng thời 4.0

Chiến khu cách mạng thời 4.0 là những gì kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn tự hào nói về những đổi thay của học sinh Trường THPT Bình Gia (Lạng Sơn) nhờ giáo dục STEM. “Rất nhiều giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng như các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh học sinh Hà Nội ngỡ ngàng khi biết được rằng, chính ở nơi còn nhiều khó khăn như Bình Gia lại có robot VEX IQ "xịn sò" của Mỹ để học và được tiếp cận với lập trình Python. Điều đáng kể nhất là lãnh đạo Trường THPT Bình Gia và các thầy cô giáo ở đây không bị lạc hậu về nhận thức giáo dục STEM. Các thầy cô giáo của nhà trường đã chủ động tìm chuyên gia STEM để học và sau đó cho thành lập Câu lạc bộ STEM. Học sinh toàn trường được học lập trình Scratch để xóa mù lập trình”, kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn cho biết.

Cũng nhờ STEM, học sinh Trường THPT Chi Lăng (Gia Lai) đã có những thay đổi đáng kể. Thầy Đỗ Bách Khoa, Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận: “Các em thật sự rất hứng thú với kiến thức mới khi được tự tay làm và trải nghiệm. Nếu như cách học bình thường khiến các em hơi uể oải khi học nhiều thì khi áp dụng STEM, các em có thể làm hàng giờ mà vẫn hăng say. Các em cũng trưởng thành hơn khi phải cùng các bạn trong nhóm giải quyết vấn đề, cùng chỉnh sửa và thảo luận. Tự các em lên kế hoạch hoàn thành sản phẩm mà không cần phải nhắc nhở như cách học truyền thống. Vì thế, các em cảm thấy vui và hạnh phúc khi tạo ra sản phẩm cụ thể chứ không phải là tưởng tượng hay mơ hồ không có đích đến”.

Để nối dài những kết quả mà giáo dục STEM mang lại, PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng: “Chỉ có nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới chấn hưng được đất nước, phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững và nhanh chóng. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn chú ý tới một thế hệ sinh viên tương lai. Đó là các em học sinh trong các trường phổ thông. Trường dự kiến mở một trung tâm STEM đào tạo cho giảng viên tại các trường phổ thông về cách thức dạy, giáo cụ, phương pháp tốt để tạo cảm hứng, giúp các em học sinh có niềm tin và mong muốn trở thành chuyên gia kỹ thuật hàng đầu”.

THÀNH PHONG

Tags: giáo dục
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...