• :
  • :

Giải bài toán thiếu giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông mới

Năm nay, nhiều địa phương than phiền về tình trạng thiếu giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới (2018). Các trường sư phạm, nơi những “máy cái” đào tạo giáo viên cho các cơ sở giáo dục, các địa phương đã làm gì để góp phần giải bài toán này?

Đào tạo sinh viên theo hướng phát huy năng lực

Những người chúng tôi gặp đầu tiên khi đến Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là sinh viên lớp mỹ thuật. Họ đang sửa, trát tường và vẽ, trang trí lại khoa. Sinh viên Đỗ Ánh Hằng, Lớp Mỹ thuật 69B vui vẻ giới thiệu: “Chúng em đang trang trí lại khoa để chuẩn bị đón các tân sinh viên”. Còn ở lớp âm nhạc, cô Võ Thị Thu Hoài đang cho sinh viên học cảm thụ âm nhạc bằng chính những đoạn video trên YouTube bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” của nhạc sĩ Đinh Trinh Cẩm, phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai. “Khi Tổ quốc gọi tên mình thì mình có cảm giác gì? Tại sao Tổ quốc lại gọi tên mình? Nhiều khi các em phải phân tích sâu mới thấy được cảm xúc đúng ngữ cảnh”, cô Hoài hướng dẫn sinh viên. Không khí lớp học sôi động hẳn khi các sinh viên: Nguyễn Phi Nhung, Lê Thị Thu Hiền... lần lượt lên thực hành bài học. Họ tự tin, nhiệt tình tham gia thử giọng, làm bài tập so sánh giữa bản phối của Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ, ca sĩ Trọng Tấn... Đỗ Ánh Hằng, Nguyễn Phi Nhung, Lê Thị Thu Hiền đều cho rằng, để đáp ứng chương trình GDPT mới, ngay khi ở trường, họ cần phải thực hành liên tục, tự chủ và sáng tạo.

Một giờ học của sinh viên tại Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 

Để dạy cho học sinh đáp ứng chương trình GDPT mới, trước tiên, người giáo viên nghệ thuật phải có phẩm chất và năng lực, có kiến thức, kỹ năng khoa học ngành, liên ngành cần thiết cũng như khả năng vận dụng hiệu quả vào giảng dạy và thực tiễn... Vì thế, Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội luôn không ngừng rà soát, cập nhật chương trình đào tạo, nội dung dạy học, phương pháp dạy học... để những tiết học luôn bám sát thực tế, phát huy năng lực, khả năng sáng tạo của sinh viên.

TS Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Nghệ thuật cho biết: “Trước tình trạng thiếu giáo viên mỹ thuật, âm nhạc cho chương trình GDPT mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn cho phép những người tốt nghiệp ngành nghệ thuật có nhu cầu trở thành giáo viên có thể được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy cho học sinh. Chỉ tiêu tuyển sinh hai ngành đào tạo sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật tại Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 2020 trở lại đây có tăng cao hơn các năm trước. Cụ thể, trong năm học 2022-2023, dự kiến khoa lấy 90 chỉ tiêu cho ngành sư phạm âm nhạc và 60 chỉ tiêu cho ngành sư phạm mỹ thuật”.

Cũng giống như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, xác định đổi mới là yếu tố quan trọng trong đào tạo sinh viên, PGS, TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế (Thừa Thiên Huế) cho biết: “Nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo mới theo hướng tiếp cận năng lực, đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng thực tập nhiều hơn, đổi mới kiểm tra đánh giá, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cho sinh viên tiếp cận chương trình mới, xây dựng môi trường học tập số, đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa”.

Tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên

Một trong những thay đổi đáng kể được ghi nhận tại các trường sư phạm thời gian gần đây là điểm đầu vào các trường đều tăng cao. Ý kiến chung của các trường sư phạm cho rằng Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm là một trong những chính sách tốt nhất dành cho sinh viên sư phạm từ trước đến nay, vì thế đã mang đến những tác động tích cực. TS Cao Bá Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết: “Nghị định 116 góp phần không nhỏ để thu hút sinh viên học sư phạm, đặc biệt khi các gia đình bị tác động kinh tế bởi dịch Covid-19 thì việc lựa chọn ngành sư phạm để vừa được đi học vừa được trợ cấp hơn 3 triệu đồng/tháng là lựa chọn phù hợp”.

Tuy đã có những hấp dẫn nhất định nhưng thời gian vừa qua, thực tế vẫn có rất nhiều địa phương gặp khó khăn vì tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt cho chương trình GDPT mới. Lý giải về điều này, PGS, TS Nguyễn Văn Hiền, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phân tích: “Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm nói chung, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cấp chỉ tiêu. Việc này dựa trên hai căn cứ chính là năng lực đào tạo của nhà trường và nhu cầu của các địa phương đã đăng ký với bộ. Bắt đầu từ năm học 2021-2022, từ khi Nghị định 116 có hiệu lực thì quá trình đào tạo của các trường sư phạm chủ yếu xuất phát từ đặt hàng của các địa phương. Vì thế, việc thừa-thiếu giáo viên hiện nay chủ yếu là thừa-thiếu cục bộ nên để giải quyết triệt để cần có thời gian.

Trước mắt, nhà trường sư phạm có chương trình bồi dưỡng cho giáo viên, đặc biệt là các giáo viên dạy môn tích hợp. Với các môn nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, Bộ cũng có thông tư cho phép bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người có nhu cầu muốn trở thành giáo viên”. Bên cạnh đó, TS Cao Bá Cường cho biết: “Trường đã xin mở thêm mã ngành đào tạo giáo viên dạy tích hợp khoa học tự nhiên và lịch sử-địa lý. Tuy nhiên, qua thực tế nhà trường và tham khảo các trường khác thì thấy rằng việc tuyển sinh không dễ vì tâm lý e dè, muốn thăm dò của người học trước một chương trình mới”.

Để khắc phục hạn chế, tăng thêm nguồn giáo viên chất lượng đáp ứng cho chương trình GDPT mới, các trường đã đưa ra nhiều giải pháp để thu hút người học. Theo PGS, TS Lê Anh Phương, Trường Đại học Sư phạm-Đại học Huế đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tư vấn tuyển sinh cho người học về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tăng chỉ tiêu tuyển sinh, thay đổi chương trình đào tạo, hỗ trợ người học.

PGS, TS Nguyễn Văn Hiền cũng cho biết: “Để đáp ứng chương trình GDPT mới, bắt đầu từ năm nay, trong chương trình đào tạo chính quy, trường mở thêm mã ngành đào tạo giáo viên khoa học tự nhiên, giáo viên lịch sử-địa lý. Ngoài ra, trường cũng tạo điều kiện tiếp cận cơ hội việc làm công khai và nhanh nhất có thể cho sinh viên bằng nhiều hình thức”.

Bài và ảnh: MAI THANH

Tags: giáo dục