• :
  • :

F0 vật vã mua thuốc kháng COVID-19: Thủ tục cứng nhắc “tiếp tay” cho buôn bán chợ đen!

Thuốc COVID-19 đã được bán công khai ở các cửa hàng thuốc được cấp phép, nhưng nhiều F0 vẫn “khát” thuốc vì nhiều người dân cho rằng thủ tục mua cứng nhắc. Trong khi đó, thuốc bán “chợ đen” lại dễ dàng giao tận nhà, chỉ có điều với giá... trên trời. 

F0 "vật vã" mua thuốc COVID-19

Anh N.M.N (Q.Tân Bình, TPHCM) có 2 người thân mắc COVID-19. Anh là F1 nên sau khi cách ly với gia đình anh cũng cố gắng liên hệ tìm mua thuốc điều trị COVID-19 cho người nhà nhưng không được, liên hệ Trạm Y tế nơi mình sinh sống hơn một ngày vẫn chưa được giấy xác nhận nên anh N. đành nhờ bạn bè hỏi giúp mua thuốc trên mạng. 

“Tôi đọc thông tin thấy trên báo chí, thuốc có tác dụng tốt nhất ở những ngày đầu mà mãi vẫn chưa có thuốc, nên tôi thấy bạn bè có kết nối mua giúp thuốc điều trị COVID-19 trên mạng, tôi mua người ta ship liền”, anh N. cho biết. 

Trường hợp của chị P.L (TP.Thủ Đức, TPHCM) cho biết, có em trai ở một mình bị F0 nhưng lại không mua được thuốc, vì nóng ruột nên chị L. đã ra hỏi tiệm thuốc thì được biết phải có giấy tờ xác nhận F0 của địa phương và đơn thuốc do bác sĩ kê mới bán được, chị đành ra về tìm mua thuốc trên mạng. 

“Sau nửa ngày đặt hàng, gửi tiền cọc, tôi nhận được 4 hộp Molravir 400 (thành phần Molnupiravir 400mg). Mỗi hộp Molravir 400 có giá 290.000 đồng, chỉ cao hơn 40.000 đồng so với giá công bố trên báo chí. Giá rẻ, hàng thật, nhanh gọn nên mua”, chị P.L chia sẻ.

Dạo quanh một vòng các trang mạng, hội nhóm, có rất nhiều người bán thuốc điều trị COVID-19 với các mức giá và loại thuốc do các công ty sản xuất khác nhau. Giá thuốc do Việt Nam sản xuất bán ở “chợ đen”, so với giá được Bộ Y tế phê duyệt trung bình chênh lệch từ 320.000-1.000.000 đồng/hộp/100v. 

Qua trao đổi mua thuốc của một người tại Q.7, TPHCM cho biết, để có được thuốc bán họ phải “lùng hàng” từ nhiều người mới có thuốc bán. 

Hệ lụy của “khát thuốc” khiến “chợ đen” dễ làm ăn 

Trên thực tế, hiện nay tại các cửa hàng được cấp phép bán thuốc tại TPHCM số lượng người dân đi mua vẫn ở mức ổn định. Một phần ghi nhận không mua được thuốc rơi vào những trường hợp không có đơn của bác sĩ kê đơn và ký giấy. Thứ hai là người dân chưa được địa phương xác nhận F0. Vì thế, câu chuyện “khát thuốc” xảy ra với nhiều người. 

TS.BS Trương Thị Ngọc Lan - Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM - cho biết, việc người dân tự ý mua thuốc trên mạng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm “trên nguyên tắc đã là thuốc thì phải được các bác sĩ kê toa, không phải người bệnh thích dùng là dùng. Các loại thuốc được kê đã được nhập khẩu chính thức tại Việt Nam, được ngành y tế quản lý về mặt chất lượng. Tuy nhiên, nếu người dân tự ý mua thuốc trên “chợ đen” vấn đề thật giả không ai kiểm chứng, khi gặp vấn đề về sức khoẻ bác sĩ không biết là do thuốc hay do đâu, tất cả vẫn là người dân chịu thiệt. Đồng thời, tâm lý mua thuốc dự trữ hiện nay là có, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cho F0 cần điều trị thực sự”. 

Cũng theo TS.BS Ngọc Lan, dịch COVID-19 là một bệnh dịch, quy trình khai báo cho y tế địa phương giúp quản lý được sức khoẻ người bệnh, người dân dễ dàng có được giấy xác nhận để mua thuốc. 

“Nếu người dân nghĩ rằng những quy trình này phức tạp, tôi cho rằng không hề phức tạp. Bởi nếu phức tạp là người dân phải đến bác sĩ khám, xét nghiệm, kê đơn thuốc. Vì thế, quy trình hiện nay của Bộ Y tế là hợp lý, đã tiết giảm rất nhiều để người dân tiếp cận thuốc tốt hơn”. 

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Thành viên Tổ tư vấn chính sách và phục hồi kinh tế TPHCM đề xuất 2 biện pháp. Thứ nhất, giao cho trạm y tế phường xã nơi F0 khai báo, được kê đơn thuốc theo đúng chỉ định. Ông cho rằng, trước đây y tế phường, y tế lưu động trực tiếp cấp gói thuốc C (thuốc Molnupiravir). Do vậy, việc ra toa thuốc cho bệnh nhân COVID-19 lúc này là phù hợp.

Yêu cầu đặt ra là việc kê đơn thuốc cho F0 phải nhanh chóng vì thuốc kháng virus chỉ có tác dụng trong những ngày đầu nhiễm bệnh. Hiện vẫn có phản ánh cho thấy, F0 cách ly tại nhà chỉ được nhận giấy xác nhận F0 cùng giấy hoàn thành cách ly khi đã test âm tính tại trạm.

“Chúng ta cần cho phép người dân đến trạm y tế để xin toa thuốc thay vì chờ đợi”, PGS Đỗ Văn Dũng đưa ra phương án.

Thứ hai, các nhà thuốc xây dựng trang web để bệnh nhân đọc và ký tên trực tuyến. Thuốc Molnupiravir có thể có nguy cơ gây kháng thuốc hoặc có thể gây đột biến nhưng rất nhỏ so với nguy cơ tiến triển nặng của bệnh nhân.

“Molnupiravir không tương tác với thuốc khác nên không sợ bị kị thuốc”, chuyên gia cho biết. 

Rõ ràng, hàng triệu liều Molnupiravir trong nước lúc này đã gần người bệnh COVID-19 hơn bao giờ hết. Thế nhưng, họ vẫn đang “khát” thuốc.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ thẳng thắn cho rằng, nếu còn khó khăn, người bệnh sẽ lại tìm đến thuốc lậu có giá vài triệu đồng một hộp, cuối cùng, người dân lại chịu hậu quả lớn nhất.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết: “Đơn vị đã có công văn gửi Bộ Y tế để xin hướng dẫn đối với việc kê đơn cho bệnh dịch loại A là COVID-19. Tính tới ngày 28.2, TPHCM còn 36.000 liều để phát cho F0 đủ điều kiện”. 

Lượt xem: 163
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...