• :
  • :

Khi nào dịch COVID-19 ở Việt Nam đạt đỉnh?

Bộ Y tế tối 1/3 công bố 98.762 ca nhiễm, trong đó 98.743 ca tại 63 tỉnh thành và Hà Giang bổ sung thêm 15.382 ca xét nghiệm từ trước.

Việt Nam vẫn cần hạn chế sự lây lan và chấp nhận số ca nhiễm ở mức độ nhất định để không khiến dịch bùng phát quá mạnh.

Việt Nam vẫn cần hạn chế sự lây lan và chấp nhận số ca nhiễm ở mức độ nhất định để không khiến dịch bùng phát quá mạnh

Trong đó 47.264 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, 66.861 ca cộng đồng. Sở Y tế Hà Giang đăng ký bổ sung 15.382 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Như vậy, tổng cộng hôm qua (1/3) công bố 114.125 ca nhiễm.

Nhiều tỉnh ghi nhận số ca nhiễm tăng cao, trong đó Gia Lai tăng 1.392, Thái Nguyên tăng 1.296, Sơn La tăng 984. Hà Nội tiếp tục lập đỉnh mới với 13.323 ca nhiễm. Trên cả nước, từ 17h30 ngày 28/2 đến 17h30 ngày 1/3 ghi nhận ghi nhận 86 ca tử vong.

Với tốc độ lây lan SARS-CoV-2 như hiện nay, các chuyên gia y tế cho rằng Việt Nam sẽ sớm đạt đỉnh dịch và tới giai đoạn giảm dần ca mắc như nhiều quốc gia vừa trải qua.

Việt Nam phần nào đã có được miễn dịch cộng đồng?

Trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng dù chưa có thông tin chính thức, có khả năng biến chủng Omicron đã chiếm đa số trong cộng đồng Việt Nam.

“Các nghiên cứu đến nay đang cho thấy biến chủng này có khả năng lẩn tránh được vaccine và tốc độ lây lan nhanh hơn Delta. Do đó, chúng sẽ còn tiếp tục lây lan rộng trong thời gian tới, đặc biệt tại những nơi đông dân cư hay một số tỉnh, thành phố phía Bắc trước kia dịch chưa bùng phát quá mạnh”, ông Nga nhận định.

Vì vậy, ông Nga dự đoán từ nay tới giữa tháng 3/2022, dịch COVID-19 tại Việt Nam vẫn tiếp tục bùng phát cùng số người nhiễm virus tăng nhanh. Ông Nga nói: “Trong khoảng từ giữa tới cuối tháng 3, khả năng dịch sẽ đạt đỉnh và giảm dần sau đó”.

Ông Nga khuyến cáo Việt Nam vẫn phải duy trì các biện pháp phòng, chống dịch. Dù tỷ lệ diễn biến nặng, tử vong do biến chủng Omicron gây ra không cao, số ca mắc tăng nhanh vẫn có thể dẫn tới một lượng bệnh nhân không qua khỏi, nguy cơ quá tải hệ thống y tế.

Ông Nga cũng cho rằng số ca nhiễm trên thực tế có thể nhiều hơn lượng thống kê. Việc lây lan rộng phần nào cũng tạo được miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng. Cùng với việc đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine, dịch có thể được đẩy lùi.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Vũ Minh Phúc, nguyên Trưởng bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP HCM, lại cho rằng Việt Nam đang ở trong đỉnh dịch ngay tại thời điểm này.

PGS Phúc cũng cho rằng với tỷ lệ tiêm chủng cả nước đạt trên 90%, Việt Nam phần nào đã có được miễn dịch cộng đồng. Đây sẽ là cơ sở để nước ta sớm coi Covid-19 như bệnh cảm cúm thông thường.

“Omicron lây nhanh nhưng đa số F0 diễn biến nhẹ”

Trước câu hỏi liệu có thể coi biến chủng Omicron như một “liều vaccine tự nhiên hay không”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng việc nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 có thể tạo được miễn dịch trong cộng đồng.

“Biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng đa số người nhiễm không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ. Hiện chúng ta không thể và cũng không ngăn cản được triệt để sự lây lan của biến chủng này, từ đó làm ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần hạn chế sự lây lan và chấp nhận số ca nhiễm ở mức độ nhất định để không khiến dịch bùng phát quá mạnh”, ông Phu nói thêm.

Dựa trên thực tế thời gian qua, nhiều quốc gia đã trải qua làn sóng dịch với biến chủng Omicron, PGS Phu dự đoán tình hình có thể phát triển theo nhiều hướng khác nhau.

“Việc xuất hiện biến chủng gây triệu chứng nhẹ hơn, tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng tăng cao, năng lực phòng dịch của chính quyền cũng như người dân tốt hơn, đặc biệt là có thêm thuốc điều trị COVID-19, dịch bệnh có thể cũng sẽ lui dần”, ông Phu nói.

Theo PGS Nguyễn Huy Nga, Việt Nam đã xác định chung sống an toàn với SARS-CoV-2, các quy định mở cửa, nối lại đường bay được thực hiện. Do đó, chúng ta cũng cần có cách ứng phó với dịch phù hợp hơn.

“Tương tự các nước trên thế giới, xu hướng dịch ở Việt Nam với biến chủng Omicron cũng sẽ giảm dần trong thời gian tới. Lúc đó, chúng ta cần tiếp đẩy nhanh việc bao phủ vaccine. Dù không khiến số lượng F0 giảm, vaccine cũng có vai trò lớn trong giảm tỷ lệ diễn biến nặng, tử vong”, ông nói.

Theo ông Nga, việc giảm số người nhiễm nCoV sẽ phụ thuộc phần lớn vào ý thức cá nhân cũng như mức độ tuân thủ 5K trên cả nước.

Về phía PGS.TS Vũ Minh Phúc, cũng cho rằng với tỷ lệ bao phủ vaccine cao như hiện nay, sau khi hoàn thành mũi tiêm cho trẻ em, Việt Nam có thể cân nhắc mở cửa hoàn toàn như Anh hay các quốc gia Bắc Âu.

“Sau khi có miễn dịch cộng đồng, chúng ta chỉ nên cố gắng bảo vệ nhóm nguy cơ cao, chăm sóc tuyệt đối, tối đa, tiêm chủng, điều trị bệnh cho người cao tuổi, mắc bệnh nền, từ đó giảm tỷ lệ tử vong. Người dân thông thường chỉ nên cố gắng tuân thủ chặt chẽ 5K là đủ”, ông Phúc nói.

Lượt xem: 280
Tác giả: Văn Sơn
Nguồn:baophapluat.vn Sao chép liên kết