• :
  • :

Đậu mùa khỉ có đường lây gần giống HIV

Các chuyên gia cho rằng đậu mùa khỉ có cách lây gần giống HIV, song virus tự thải trừ khỏi cơ thể nếu miễn dịch tốt, từ đó giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho rằng, người dân không nên lo lắng quá mức, bởi bệnh chỉ dễ lây trên một số nhóm nguy cơ như đồng tính nam, song giới, người có nhiều bạn tình, không bảo vệ bằng bao cao su...

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ, qua các trường hợp được báo cáo trong đợt bùng phát đậu mùa khỉ tại hơn 100 quốc gia từ năm ngoái đến nay, bệnh có hai đặc điểm quan trọng.

Đầu tiên, hầu hết bệnh xảy ra trên những người đồng tính nam, người song tính, người có nhiều bạn tình, lây qua đường quan hệ tình dục.

Ban đậu mùa khỉ nổi trên tay của một em nhỏ mắc bệnh. Ảnh: Reuters/TTXVN

Thứ hai, bệnh nhân đậu mùa khỉ có phát ban, bóng nước xuất hiện ở bộ phận sinh dục như dương vật, tinh hoàn, môi âm hộ, âm đạo, hậu môn... do liên quan đường lây là quan hệ tình dục không an toàn, không dùng bao cao su bảo vệ.

"Qua hai đặc điểm trên, có thể thấy rằng bệnh không dễ lây lan ra cộng đồng. Đậu mùa khỉ có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ sát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc bệnh", bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa phân tích.

Tuy nhiên, khác với HIV, bệnh sẽ tự thải trừ hoàn toàn virus và nhanh khỏi nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt. Đậu mùa khỉ chỉ diễn tiến nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng với người suy giảm miễn dịch (AIDS, xơ gan, tiểu đường...). Các triệu chứng bệnh nặng gồm: Tổn thương da lớn hơn, lan rộng hơn (đặc biệt là ở miệng, mắt và bộ phận sinh dục), nhiễm trùng thứ phát ở da dẫn đến nhiễm trùng máu và viêm phổi nặng.

WHO đã chính thức tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây lo ngại trên toàn cầu, dỡ bỏ mức cảnh báo cao nhất vào ngày 11-5-2023. Trước đó, ngày 23-7-2022, WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Chuyên gia khuyến cáo người dân cảnh giác chủ động phòng ngừa tích cực nếu thuộc nhóm nguy cơ cao và tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ.

Người có triệu chứng nghi ngờ như phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu khác như sốt hơn 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược,... cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục, đồng thời liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.

Theo VNE

Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết