Cần sự đầu tư đồng bộ về chuyển đổi số trong y tế
Hạ tầng và nhân lực phục vụ chuyển đổi số là những thách thức mà ngành y tế đang phải đối mặt. Ông Nguyễn Trường Nam, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế) đã trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.
Chuyển đổi số đem lại hiệu quả tích cực
Phóng viên (PV): Chuyển đổi số đang khẳng định vai trò là động lực quan trọng của phát triển. Trong lĩnh vực y tế, việc chuyển đổi số đã đem lại những lợi ích như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trường Nam: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong sự phát triển của tất cả các ngành, nghề. Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã nêu rất rõ các nội dung về chuyển đổi số, trong đó y tế là một trong 8 mục cần ưu tiên. Rõ ràng, chuyển đổi số là nhiệm vụ bắt buộc phải được thực hiện, bởi nếu không, chúng ta sẽ bị tụt hậu so với thế giới. Trong lĩnh vực y tế, việc chuyển đổi số đã đem lại hiệu quả tích cực. Hiện nay, người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế mọi lúc, mọi nơi, cũng như tiếp cận các bác sĩ tại cơ sở y tế trên môi trường số rất thuận tiện. Còn đối với các cơ sở y tế khi áp dụng chuyển đổi số thì việc quản lý hiệu quả, minh bạch hơn, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao...
PV: Việc triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế vẫn chưa đồng đều giữa các vùng miền, một số cơ sở y tế địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai, tạo ra khoảng cách lớn khi ứng dụng chuyển đổi số. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Trường Nam: Thực tế đúng là như vậy. Y tế Việt Nam được chia thành các tuyến: Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Mỗi tuyến đều có những đặc thù về quy mô cũng như điều kiện trang thiết bị, đội ngũ nhân lực, các điều kiện khác về khám, chữa bệnh. Quy mô, điều kiện khác nhau thì đương nhiên khi áp dụng chuyển đổi số cũng sẽ có sự khác biệt. Với những bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh có quy mô lớn thì việc triển khai có mặt dễ, mặt khó. Dễ bởi vì họ có điều kiện về nguồn lực, trang thiết bị y tế chất lượng cao, bác sĩ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới để đưa vào triển khai. Khó là khi quy mô lớn thì độ phức tạp trong triển khai nhiều hơn, kinh phí đầu tư cũng lớn hơn...
Ông Nguyễn Trường Nam. Ảnh: HÀ VŨ |
Còn nhiều khó khăn trong nguồn đầu tư và nhân lực
PV: Như ông vừa phân tích, tại các cơ sở y tế vẫn có sự thiếu hụt về nhân lực chuyên nghiệp, nguồn tài chính để thực hiện chuyển đổi số. Bộ Y tế đã có hướng tháo gỡ những khó khăn này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trường Nam: Trong y tế, chuyển đổi số được định nghĩa là ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện ở tất cả hoạt động khám bệnh và chữa bệnh, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tích cực trong hoạt động khám, chữa bệnh cũng như nhiều hoạt động khác của ngành y tế. Bởi vậy, chúng ta cần đầu tư toàn diện cho việc chuyển đổi số để bảo đảm sự đồng nhất giữa các cơ sở y tế. Trước đây, chúng ta cũng có đầu tư về công nghệ thông tin nhưng là đầu tư theo nhu cầu của từng bộ phận. Như vậy, khi chuyển đổi số thì các cơ sở y tế phải dành nguồn lực đầu tư về công nghệ để triển khai một cách toàn diện và đồng bộ.
Kiểm tra ki-ốt đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Ảnh: DUY TUÂN |
Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vướng mắc trong đầu tư bởi các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay đang dần tiến tới tự chủ, có nhiều khoản cần đầu tư để bảo đảm chất lượng khám và điều trị. Nên nếu cần phải đầu tư cho công nghệ thông tin để phục vụ chuyển đổi số thì các bệnh viện cũng sẽ cân nhắc, thậm chí chỉ đầu tư nhỏ giọt. Đây là một vấn đề đặt ra để khi chuyển đổi số cần được đầu tư toàn diện. Mặc dù Chính phủ cũng đã có các văn bản hướng dẫn, mới đây là Nghị định số 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5-9-2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thế nhưng việc triển khai tại một số cơ sở y tế vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện đầu tư các dự án cho chuyển đổi số...
PV: Như vậy, để có hiệu quả cao trong triển khai chuyển đổi số của ngành y tế thì cần sự đầu tư đồng bộ hơn?
Ông Nguyễn Trường Nam: Rõ ràng sự đầu tư đồng bộ có hiệu quả hơn nhiều so với việc đầu tư manh mún, nhỏ giọt. Mới đây, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã khẳng định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của quốc gia. Nghị quyết cũng nêu rõ cần chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; có cơ chế, chính sách đặc biệt đối với nhân tài; phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí"...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DIỆP CHÂU (thực hiện)