Thay đổi cách tiếp cận trong kiểm định chất lượng giáo dục
Bộ GD&ĐT sẽ thay đổi cách tiếp cận trong kiểm định hướng tới điều chỉnh cách tiếp cận trong các chu kỳ kiểm định.
Sinh viên Trường ĐH Phenikaa |
Tập trung hoàn thiện khung đảm bảo chất lượng bên trong
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết: Năm 2025, Bộ GD&ĐT tập trung hoàn thiện khung đảm bảo chất lượng bên trong, đảm bảo tính đồng bộ từ cấp chương trình đào tạo, khoa, phòng ban đến ban giám hiệu, hội đồng trường.
Thực tế cho thấy, kiểm định bên ngoài có thể diễn ra thời gian ngắn, nhưng nếu hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong không vững chắc thì kiểm định và đánh giá ngoài chưa thể đạt hiệu quả toàn diện như mong muốn cải tiến liên tục.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng sẽ thay đổi cách tiếp cận trong kiểm định. Thay vì kiểm định riêng biệt cho từng hình thức đào tạo như chính quy, đào tạo từ xa, vừa học vừa làm thì sắp tới sẽ hướng đến kiểm định một lần cho tất cả các hình thức đào tạo của một chương trình.
Bên cạnh đó, Bộ hướng tới điều chỉnh cách tiếp cận trong các chu kỳ kiểm định. Chu kỳ 1 có thể tập trung vào hướng dẫn, hỗ trợ; từ chu kỳ 2, 3 trở đi, trọng tâm sẽ chuyển sang đánh giá thực chất về hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ, thay vì chỉ dựa vào hồ sơ, giấy tờ. Tức là đang từ kiểm định dựa trên văn bản quy định, các quy tắc (rules-based) chuyển dần sang kiểm định dựa trên các nguyên tắc (Principles Based).
Với cách làm này, yêu cầu chất lượng kiểm định viên ở các chu kỳ sau cũng phải được nâng cao, do đó do ngành phải có trách nhiệm là đào tạo và tập huấn sâu hơn cho kiểm định viên.
Vì vậy, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức các hội thảo nhằm nâng cao năng lực kiểm định viên, mời các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ đội ngũ trong nước đạt chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng kiểm định mà còn giúp thay đổi tư duy của những người thực hiện.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương.
Làm rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục
Bên cạnh đó, theo Cục trưởng Huỳnh Văn Chương, Bộ GD&ĐT cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Nhà trường phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của chương trình đào tạo và đội ngũ giảng dạy, còn kiểm định chỉ đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn đã đặt ra, tránh tình trạng hiểu kiểm định là thanh tra, kiểm tra. Nếu sau này cơ quan chức năng phát hiện chương trình không đáp ứng tiêu chuẩn, có thể xem xét việc hủy chứng nhận kiểm định.
Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích các trường đạt kiểm định chất lượng tốt. Những trường có thành tích xuất sắc có thể được kéo dài chu kỳ kiểm định hơn có thể trên 5 năm nhằm tạo động lực và nêu được các thực hành tốt, điển hình cho cho các cơ sở khác.
Ngoài ra, ông Huỳnh Văn Chương cho rằng, cần đặt ra một số điều kiện cứng, bắt buộc của bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chương trình đào tạo cũng như cơ sở giáo dục đại học. Một trường đại học hay một chương trình đào tạo cần xác định rõ những yếu tố nào là cốt lõi, mang tính nền tảng, bắt buộc phải đạt được. Những điều kiện này không thể linh động hay nới lỏng, mà phải là tiêu chí bắt buộc.
Cuối cùng, sẽ hướng tới tăng cường vai trò tự chủ của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, để họ có những sáng kiến tốt hơn trong việc đưa ra những nhận định, khuyến nghị cho các cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng.