• :
  • :

Cách giúp trẻ giảm căng thẳng khi trở lại trường học sau đợt nghỉ dịch kéo dài

Sau thời gian nghỉ dài đề phòng ngừa dịch bệnh, có những trẻ háo hức trở lại trường và nhanh chóng bắt kịp sự thay đổi, nhưng ngược lại, cũng có những em khi đi học trực tiếp trở lại cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và thậm chí chán nản. Các chuyên gia tâm lý đưa ra những lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh để đồng hành, giúp con đối phó với căng thẳng khi trẻ quay lại trường học cũng như những vấn đề tâm lý khác.

Cách giúp trẻ giảm căng thẳng khi trở lại trường học sau đợt nghỉ dịch kéo dài ảnh 1

Không ít trẻ gặp khó khăn khi trở lại trường học sau thời gian nghỉ dài

Ảnh hưởng sau thời gian không được đến trường

Khi trường công lập Millis (Mỹ) mở cửa đón học sinh trở lại sau đợt nghỉ dài vì dịch Covid-19, các giáo viên, nhân viên đã mong được nhìn thấy các em học sinh vui vẻ khi được trở lại lớp học thực sự. “Chúng tôi rất vui mừng vì các em được đến trường học trực tiếp. Nhưng quá trình chuyển đổi đã không được tốt đẹp như dự đoán. Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi nhận thấy mức độ căng thẳng, lo lắng, các vấn đề hành vi khác nhau ở học sinh tăng lên” - Bob Mullaney, Giám đốc Học khu ngoại ô Boston cho biết.

Theo các giáo viên và nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhiều trường học phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần của học sinh sau đại dịch. Tất nhiên, sự gia tăng các triệu chứng liên quan đến sức khỏe tâm thần của trẻ em không phải hiện giờ mới xuất hiện, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy, đại dịch đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng vốn ngày càng gia tăng liên quan đến sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Bác sĩ Vera Feuer, phụ trách sức khỏe tâm thần học đường tại Trung tâm Y tế Trẻ em Cohen ở Long Island cho biết, nhiều trường học báo cáo gia tăng các trường hợp trẻ hành động, cư xử không đúng với độ tuổi, thường là thấp hơn so với độ tuổi của chúng. Chẳng hạn, học sinh trung học cư xử giống học sinh trung học cơ sở hơn, như xô đẩy nhau trên hành lang. Một số trẻ khi gặp khó khăn thường có những biểu lộ hung hăng và bạo lực hơn. Ở một số khu vực, tình trạng học sinh đánh nhau gia tăng đến mức đáng báo động, thậm chí có cả trường hợp hành hung hay có hành động không phù hợp với giáo viên, nhân viên nhà trường. Cùng với đó, cũng xuất hiện tình trạng nhiều học sinh có hành vi tự hành hạ bản thân. Báo cáo cho thấy có sự gia tăng các vụ học sinh có hành vi tự làm hại bản thân, có ý định tự tử.

Tami Benton, bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Nhi Philadelphia cho biết, số trẻ cần được hỗ trợ điều trị sức khỏe tinh thần tăng nhiều hơn so với trước đây, phần lớn các báo cáo về các vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng bắt nguồn từ sự căng thẳng khi học sinh trở lại trường học. Bà Tami Benton nói: “Thời gian mà các em phải nghỉ ở nhà là quãng thời gian các em không có cơ hội phát triển các kỹ năng xã hội thông thường xảy ra trong thời kỳ phát triển của mình”. Francesca Henderson, học sinh trung học ở Atlanta, nói rằng nhiều người bạn của em đã thấy lo lắng về việc định hướng xã hội sau thời gian dài bị cách ly. Mặc dù, Henderson có thể duy trì mối quan hệ với bạn bè của mình trong thời gian nghỉ dịch, nhưng em nói, ban đầu cũng cảm thấy có đôi chút khó khăn khi tiếp xúc lại với bạn bè. “Vấn đề lớn nhất đối với em là điều chỉnh bản thân khi trở lại cuộc sống trực tiếp”- Henderson nói. Việc học bình thường cũng trở thành vấn đề. “Với hình thức online, chương trình học được giảm tải, các bài kiểm tra, đánh giá cũng dễ hơn. Vì vậy, học sinh thường có tâm lý không cần phải học nhiều như bình thường”- Henderson và các bạn phải rèn lại các kỹ năng như quản lý thời gian và tập trung hơn để bắt kịp với áp lực học tập khi đi học trở lại.

Thông điệp mà chuyên gia tâm lý Serra Poirier muốn gửi tới các bậc cha mẹ là hãy cố gắng nhìn thế giới qua con mắt của con họ - để đồng cảm: “Là người lớn, chúng ta có giải pháp cho những vấn đề từ phức tạp đến đơn giản, nhưng đôi khi những điều nhỏ nhặt lại trở nên khó khăn đối với trẻ em, vì vậy hãy cùng giúp con đưa ra các giải pháp. Một đứa trẻ 8 tuổi không tham gia đội thể thao - điều đó có thể khiến chúng cảm thấy buồn bã. Đừng gạt bỏ những cảm xúc đó, hãy ngồi lại nói chuyện, chia sẻ với con”.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị căng thẳng

Thay đổi tâm trạng: Trẻ em hoặc thanh thiếu niên vốn nói nhiều lại trở nên thu mình và ít nói; hoặc trẻ có thể cáu kỉnh, hờn dỗi nhiều hơn, thậm chí là hay khóc hoặc phản ứng quá thái trước những tình huống vốn thông thường.

Bị đau bụng, buồn nôn: Trẻ nhỏ hoặc thậm chí cả trẻ lớn cũng có thể gặp các bệnh về thể chất như đau đầu, đau bụng, hoặc cảm giác khó chịu hoặc cảm giác bồn chồn nói chung khi chúng bị căng thẳng, lo lắng. Đôi khi các bậc cha mẹ cho rằng, đó là trẻ muốn làm nũng hay giả vờ để không phải đến trường. Tuy nhiên, trẻ không nói dối, các triệu chứng về sức khỏe là có thật nguyên nhân là do chúng bị căng thẳng.

Thay đổi hành vi: Trẻ có thể đột nhiên khó ngủ hoặc có thể thức giấc vào nửa đêm. Chúng có thể gặp ác mộng hoặc làm ướt giường. Những thay đổi về thói quen ăn uống cũng là một manh mối nhận biết trẻ bị căng thẳng, trẻ có thể đột nhiên ăn ít hơn hoặc nhiều hơn - chủ yếu là thức ăn như đồ ngọt. Ngoài ra, trẻ có thể ngừng chơi hoặc thực hiện hoạt động yêu thích của mình, chúng có thể ngồi trước đống đồ chơi hoặc sách tô màu nhưng không làm gì cả.

Có hành vi né tránh: Khi bị căng thẳng, trẻ có thể cố gắng tránh những người, địa điểm hoặc những thứ gây ra căng thẳng cho chúng. Chúng có thể không muốn đến trường hoặc một lớp học cụ thể, hoặc không muốn đến cửa hàng hoặc hồ bơi…

Cách giúp đỡ trẻ

Chuyện trò cùng trẻ: Có thể khó để một đứa trẻ bày tỏ cảm xúc của mình. Tuy nhiên, người lớn có thể thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của trẻ và đặt một số câu hỏi để giúp xác định nguyên nhân khiến trẻ căng thẳng. Chẳng hạn như: Con có thấy buồn khi đội bóng con yêu thích không lọt vào vòng trong không? Con có thấy lo lắng khi đến trường không? Hãy để trẻ nói về cảm xúc của chúng, và bố mẹ có thể giải thích rằng, căng thẳng là điều mà ai cũng có thể phải trải qua trong cuộc sống và cuối cùng mọi sự lo lắng, căng thẳng cũng sẽ đều qua đi…

Không tránh né: Giúp trẻ tìm ra những cách lành mạnh để đối phó với căng thẳng. Ví dụ, nếu trẻ có thể khó quay lại các hoạt động, thói quen hàng ngày sau thời gian dài bị ngưng trệ, hãy giúp con làm quen lại dần dần. Chẳng hạn, trước ngày trở lại trường, hãy cho con tham gia những cuộc đi chơi ngắn.

Duy trì thói quen gia đình: Trẻ thường nhanh bắt kịp với cuộc sống có nền nếp - giúp chúng có được cảm giác yên tâm. Trước khi trẻ đi học trở lại, điều quan trọng là phải thực hiện lại các thói quen của gia đình càng nhiều càng tốt như: Thức dậy cùng một lúc, ăn cùng một giờ, khuyến khích thói quen đi ngủ đều đặn bao gồm cả việc đi ngủ sớm hơn.

Nêu gương: Hãy nhớ rằng, những việc cha mẹ làm cũng quan trọng như những gì họ nói. Các bậc cha mẹ nên nói về cảm xúc của mình khi căng thẳng, tức giận hoặc buồn bã và khuyến khích trẻ làm như vậy. Đưa ra cách giải quyết tình trạng căng thẳng cũng như những cảm xúc tiêu cực như thất vọng hay buồn bã. Theo chuyên gia Serra Poirier, nếu tình trạng căng thẳng của trẻ dường như mất kiểm soát và ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần, hãy đưa con đến gặp bác sĩ.

(Theo AP, NPR)

Lượt xem: 177
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...