• :
  • :

Bình Dương nỗ lực chăm lo hội viên, phụ nữ khó khăn và trẻ em

Trong thời gian qua, các cấp hội phụ nữ tại Bình Dương đã đẩy mạnh nhiều hoạt động quan tâm chăm lo thiết thực đối với cán bộ, hội viên, phụ nữ khó khăn và trẻ em.

Đồng chí Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bình Dương đã có cuộc trao đổi với Báo Quân đội nhân dân về những kết quả nổi bật trong công tác Hội phụ nữ của tỉnh.

Phóng viên: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết những nét nổi bật nhất trong công tác chăm lo cán bộ, hội viên, phụ nữ từ đầu năm 2022 đến nay?

Đồng chí Trương Thanh Nga: Hoạt động chăm lo đời sống cho cán bộ, hội viên, phụ nữ nghèo, nhất là hội viên phụ nữ yếu thế là nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực, ý nghĩa và xuyên suốt của tổ chức Hội trong các nhiệm kỳ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Hội và phong trào phụ nữ tỉnh, bảo đảm quyền lợi, lợi ích chính đáng của hội viên, phụ nữ. Qua đó, xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh với phương châm hoạt động “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có tổ chức Hội”.

Hội LHPN tỉnh Bình Dương phối hợp phối hợp trao tặng sữa cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn tại huyện Dầu Tiếng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 330.318 phụ nữ, trong đó hội viên là 249.000, có 50% phụ nữ ở địa phương khác về sinh sống, làm việc tại Bình Dương. Theo số liệu rà soát của Hội LHPN các cấp, hiện nay có 1.573 nữ chủ hộ nghèo và 1.101 nữ chủ hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều của tỉnh. Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo và hướng dẫn các cấp Hội tăng cường đẩy mạnh hoạt động chăm lo cho cán bộ, hội viên, phụ nữ bằng những việc làm cụ thể, có mô hình hoạt động phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh đồng hành với tổ chức Hội góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện an sinh xã hội tốt nhất.

Từ đầu năm 2022 đến nay, công tác chăm lo cho cán bộ, hội viên, phụ nữ của các cấp hội được thực hiện có hiệu quả, Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới, đề ra nhiều mô hình, cách thức thực hiện phù hợp, nhất là sau đại dịch Covid-19 vừa qua. Trong đó, nổi bật là đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật thông tin, số liệu, danh sách, hướng dẫn chi hội, tổ hội, hội viên thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động. Qua đó, tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ, người dân tích cực hưởng ứng tham gia phong trào, nhiệm vụ của Trung ương, địa phương đề ra, nhất là hỗ trợ hội viên, phụ nữ yếu thế trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh tăng cường công tác phối hợp với các ngành, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hội nữ doanh nhân tỉnh… quyết liệt triển khai, phát động phong trào thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu", "Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Chung tay vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em yếu thế”, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ khó khăn, vẽ gốm trao kinh phí hỗ trợ cho phụ nữ khó khăn…

Phối hợp thăm hỏi, động viên Bà mẹ Việt Nam Anh hùng dịp lễ 27-7.

Phóng viên: Theo chia sẻ của đồng chí như trên, một số hoạt động cụ thể nào đã được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao thời gian qua?

Đồng chí Trương Thanh Nga: Thực hiện hiệu quả việc “Hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo có địa chỉ”, các cấp Hội đã xác định hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng địa chỉ. Qua đó, có những giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp với từng trường hợp. Từ việc làm trên, các cấp Hội đã tăng cường khai thác các nguồn vốn cho hội viên, phụ nữ vay để phát triển kinh tế gia đình, như vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, nhân rộng mô hình: “Tất cả vì hội viên phụ nữ và trẻ em”, “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất", ... Qua đó nâng cao chất lượng phong trào “làm theo Bác”, thực hiện tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, quyên góp hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn vay do Hội quản lý (Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, Hỗ trợ trẻ em gái vượt khó, Vì quê hương, Đấu nối nước thải…), trong 6 tháng đầu năm 2022 đã giải ngân hỗ trợ cho 5.335 phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn vay với tổng số tiền hơn 180,5 tỷ đồng. Hội LHPN tỉnh đã phối hợp Quỹ môi trường toàn cầu UNDP GEF SGP, Quỹ thiện tâm, Hội nữ doanh nhân tỉnh, Ngân hàng Vietcombank, thẩm mỹ viện Ngọc Dung hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo, khó khăn, nhóm phụ nữ làm nghề thu gom phế liệu với tổng số tiền hỗ trợ 700 triệu đồng. Nhờ nguồn hỗ trợ này, các chị em phụ nữ nghèo đã mua xe nước mía, xe bánh mì, xe đạp và tiền vốn để buôn bán, mưu sinh.

Tiếp nhận kinh phí chăm lo phụ nữ hoàn cảnh khó khăn.

Nhằm tiếp tục thực hiện phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, “không ai bị bỏ rơi, ở lại phía sau”, lấy phụ nữ là trung tâm để thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác Hội, giúp hội viên, phụ nữ nhất là phụ nữ yếu thế, phụ nữ đang chấp hành bản án của pháp luật… có thêm nghị lực, tinh thần, tự tin để phát triển vươn lên, sống có ích cho bản thân và xã hội, Hội LHPN tỉnh Bình Dương đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các phạm nhân nữ đang chấp hành án tại Phân trại số 1, phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không liên lạc được với gia đình, các cháu là con phạm nhân theo mẹ vào trại với tổng giá trị gần 150 triệu đồng.

Ngoài ra, Hội đã duy trì hoạt động của 72 tổ hợp tác, 9 hợp tác xã do nữ làm chủ, riêng năm 2022 đã hỗ trợ thành lập mới 7 tổ hợp tác, tạo việc làm thường xuyên cho 1.110 lao động nữ tại địa phương, hỗ trợ 54 ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công với tổng số tiền hỗ trợ trên 2 tỷ đồng, tiếp nhận và phân bổ 5.067 thùng hàng sản phẩm hóa mỹ phẩm do Unilever tài trợ cho hội viên, phụ nữ, hỗ trợ học bổng cho 50 trẻ em, trao quà cho 30 phụ nữ nghèo, khó khăn, 20 cán bộ Hội bị F0, 20 gia đình chính sách… tổng trị giá hơn 1,4 tỷ đồng.

Nhân các ngày lễ lớn, Hội đã tổ chức đoàn thăm hỏi cán bộ Hội qua các thời kỳ, cán bộ hội viên, phụ nữ, cán bộ nữ kháng chiến với nhiều hoạt động thiết thực như: Họp mặt giao lưu, nói chuyện chuyên đề về phụ nữ trong bối cảnh hiện đại, tri ân cán bộ Hội phụ nữ qua các thời kỳ, nhiều cơ sở Hội tổ chức về nguồn, tổ chức đoàn thăm hỏi gia đình chính sách… với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn nghiên cứu xử lý nước sạch Aqua Việt Nam trao tặng máy lọc nước, khẩu trang y tế, sữa dinh dưỡng đến hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền là hơn 571 triệu đồng.

Các cấp Hội còn tích cực vận động hội viên phụ nữ chung tay giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, với các hình thức như: Giúp ngày công, cho vay tiền mặt không tính lãi, cây con giống, cho mượn đất canh tác; hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, duy trì, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế gia đình hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, mô hình nuôi gà thả vườn, mô hình trồng lúa nếp, lúa thơm, mô hình trồng cam quýt, mô hình du lịch cộng đồng... Qua đó, nhiều phụ nữ nghèo đã được giúp đỡ kịp thời, có động lực, nguồn lực làm kinh tế giỏi, không những giúp gia đình thoát nghèo mà còn vươn lên thành hộ khá góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Phóng viên: Hội LHPN tỉnh Dương cũng tiên phong trong triển khai các mô hình, phong trào chăm lo cho hội viên, phụ nữ, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, xin đồng chí cho biết thêm về vấn đề này?

Đồng chí Trương Thanh Nga: Không chỉ chăm lo cho hội viên, phụ nữ như nêu trên, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh còn quan tâm đến hội viên phụ nữ ở vùng nông thôn và phụ nữ khó khăn ở biên giới tỉnh Bình Phước và tỉnh Đắc Nông. Qua gặp gỡ, thăm hỏi hội viên phụ nữ ở các địa bàn trên, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh nhận thấy đời sống của các chị em khó khăn và thiệt thòi trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong sinh hoạt, công nghệ thông tin như các vùng ở đô thị. Thực hiện phương châm hướng về cơ sở, đặc biệt quan tâm tới phụ nữ, trẻ em vùng nông thôn, phụ nữ các khu nhà trọ, phụ nữ vùng biên giới, các cấp Hội trong toàn tỉnh tập trung thực hiện một cách đồng bộ.

Ký kết thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương".

Trong đó, đã phối hợp tổ chức đoàn đi thăm, động viên, hỗ trợ sinh kế, khám phát thuốc miễn phí cho người dân, phụ nữ tiêu biểu. Hội LHPN tỉnh và cơ sở Hội vùng nông thôn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như trao sữa hữu cơ LET’s ECO do Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Aquamilk tài trợ, sữa, máy lọc nước và khẩu trang của Công ty Aqua Ava cho hội viên, phụ nữ vùng xa với tổng số tiền 80 triệu đồng. Hội phụ nữ các cấp tỉnh Bình Dương đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu, hoạt động chăm lo cho trẻ em, địa phương, các Đồn Biên phòng, tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng cho  người dân có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí hơn 500 triệu đồng. Hội LHPN tỉnh Bình Dương còn vận động xây dựng 15 mái ấm tình thương và sửa chữa 6 căn cho phụ nữ nghèo tại các huyện vùng xa, vùng nông thôn với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các hoạt động thường xuyên gắn với công tác Hội như thăm, tặng quà cho hội viên, phụ nữ và trẻ em nhân dịp lễ, tết.

Bên cạnh đó, phát huy kết quả đã đạt được của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 - 2020, tiếp tục triển khai chương trình giai đoạn 2021 – 2025, các cấp Hội đã đi thăm, tặng quà các dịp lễ tết, ngày kỷ niệm… Riêng Hội LHPN tỉnh đã tổ chức đoàn đi thăm, ký kết hỗ trợ xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước và xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Nội dung thực hiện là xây dựng công trình tuyến đường thắp sáng khu dân cư biên giới, tặng bộ âm thanh phục vụ hoạt động văn nghệ cho Đồn Biên phòng, trao tặng sinh kế cho hộ dân khó khăn, tặng tập, xe đạp, ba lô cho học sinh, tặng máy lọc nước, tặng quà cho các hộ dân, Hội LHPN các cấp, địa phương, các Đồn Biên phòng, tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng.

Đồng chí Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Dương tặng quà cho trẻ em nghèo, khó khăn nhân dịp Tết Trung thu 2022.

Phóng viên: Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã và đang tạo dấu ấn đẹp trong cộng đồng xã hội. Tại Bình Dương, chương trình đã triển khai và gặt hái kết quả như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Trương Thanh Nga: Vượt qua đại dịch Covid-19, Bình Dương có 373 trẻ không may mồ côi, là nỗi lo chung của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội. Điều đáng khích lệ là với thiên chức làm mẹ, làm bà, làm chị, hầu hết chị em phụ nữ trong tỉnh thông qua các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã và đang tiên phong, làm tất cả những gì có thể làm được nhằm chăm lo cho phụ nữ và trẻ em nói chung, đặc biệt là chăm lo cho trẻ mồ côi trong đại dịch và cả trong giai đoạn bình thường mới.

Với thông điệp "Không để trẻ mồ côi nào bị bỏ lại phía sau, hãy hành động vì một tương lai hạnh phúc, tươi sáng của các em”, chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” và chương trình “Mẹ đỡ đầu” được các cấp Hội tích cực hưởng ứng, và thực hiện từ năm 2022 đến nay, nhất là chương trình giao lưu “Mẹ đỡ đầu - yêu thương và sẻ chia” được tổ chức tại Bình Dương với sự tham dự của các tỉnh Đông Nam Bộ và Nam Bộ.

Trao quà hỗ trợ trẻ em có người thân mất do dịch Covid-19.

Với phương châm “Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu”, đến nay, Hội đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân: Quỹ thiện tâm, Công ty Cổ phần địa ốc Kim Oanh, Công ty Cổ phần nước Môi trường Bình Dương Bewase… Các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đồng hành với các cấp Hội giúp cho 800 lượt trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ hỗ trợ kinh phí hàng năm, các mẹ đỡ đầu còn thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, động viên các con, mua tập sách, xe đạp, tiếp sức đến trường, hỗ trợ tham gia các lớp học năng khiếu về ngoại ngữ, vi tính, võ, múa… nối rộng vòng tay nhân ái, đồng hành giúp các em khó khăn, mồ côi được phát triển toàn diện ngay tại gia đình và cộng đồng như các trẻ nhỏ khác.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HỒNG GIANG thực hiện