• :
  • :

Phổ cập hóa dịch vụ công trực tuyến

Hà Nội đang áp dụng nhiều giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy việc thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), mục đích là để mọi người dân Thủ đô đều được tiếp cận với những lợi ích mà các dịch vụ công trực tuyến mang lại.

Hoàn thành kết nối và chia sẻ dữ liệu về dân cư

Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: Thành phố luôn đặt ra mục tiêu là “mỗi người dân, doanh nghiệp phải cảm nhận được, thụ hưởng được những lợi ích của Đề án 06-lấy thước đo của thành công là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”.

Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công thành phố với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu với tổng số tiếp nhận và giải quyết hơn 500.000 hồ sơ trực tuyến trên các lĩnh vực; thu nhận hơn 6 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip, hơn 3,5 triệu hồ sơ định danh điện tử; thực hiện làm sạch dữ liệu tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin đối với hơn 700.000 trường hợp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cập nhật 13.598.999 dữ liệu thông tin tiêm chủng...

Người dân TP Hà Nội sử dụng căn cước công dân gắn chip để rút tiền tại máy giao dịch tự động của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam. Ảnh: QUỲNH MAI 

Bên cạnh đó, Hà Nội đã có gần 5 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng CCCD gắn chip để khám, chữa bệnh (KCB); có 503 cơ sở KCB bảo hiểm y tế đã áp dụng sử dụng CCCD gắn chip tra cứu KCB; 56.710 lượt công dân sử dụng CCCD gắn chip để tra cứu KCB tại các cơ sở KCB. Ngoài ra, có 3 ngân hàng lớn trên địa bàn Thủ đô (Vietcombank, VietinBank và BIDV) đã thí điểm thành công việc sử dụng CCCD gắn chip để rút tiền thay thế thẻ ATM thông thường.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã phối hợp với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư-Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) chính thức cho ra mắt dịch vụ rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chip. Theo đó, chỉ cần chiếc thẻ CCCD gắn chip, khách hàng có thể thực hiện giao dịch rút tiền tại các ATM của VietinBank.

Bằng công nghệ xác thực khách hàng thông qua dữ liệu sinh trắc học kết nối trực tiếp với dữ liệu công dân quốc gia, việc sử dụng CCCD gắn chip sẽ giúp người dùng giảm thiểu mọi nguy cơ giả mạo thẻ, bảo đảm an toàn tối đa trong các giao dịch tài chính. Thời gian xác thực thông tin khách hàng cũng rất nhanh chóng, chỉ 6-8 giây đối với mỗi giao dịch. 

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hương ở phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội chia sẻ: “Tôi thấy rất hài lòng khi dùng CCCD gắn chip để thực hiện việc nộp, rút tiền trên máy giao dịch tự động của ngân hàng. Những thông tin trên CCCD gắn chip của tôi được máy giao dịch tự động của ngân hàng nhận diện tự động, chính xác, giúp giao dịch được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện chỉ trong thời gian 2 phút. Trước đây, mỗi khi giao dịch tại quầy của ngân hàng, tôi phải xuất trình CCCD, điền các thông tin nộp, rút tiền vào tờ khai, quá trình thực hiện các giao dịch mất khoảng 15 phút”.

Tái cấu trúc các thủ tục hành chính 

Hà Nội đang tiến hành tổng rà soát, tái cấu trúc các thủ tục hành chính để tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng thời, thực hiện việc bỏ thành phần hồ sơ là chứng minh nhân dân/CCCD và sổ hộ khẩu giấy/sổ tạm trú giấy trong các thủ tục hành chính; chuẩn bị công tác mua sắm trang thiết bị để bảo đảm quá trình thực hiện các giao dịch của người dân được thuận lợi, hiệu quả và khai thác tối đa tiện ích từ thẻ CCCD gắn chíp, ứng dụng VNeID (dùng để khai báo y tế và di chuyển nội địa)... vào đời sống.

Đến nay, thành phố đã rà soát và xác định 119 dịch vụ công toàn trình (dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng) cung cấp cho công dân trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội cũng đang xây dựng lộ trình triển khai và phấn đấu thực hiện mục tiêu 100% người dân trên địa bàn thành phố sẽ sử dụng các dịch vụ công trực tuyến toàn trình này trong thời gian tới. 

Đánh giá về lợi ích của dịch vụ công toàn trình, anh Nguyễn Tuấn Long ở phố Ông Ích Khiêm, quận Ba Đình, TP Hà Nội cho biết: “Vừa qua, tôi có mua thêm một chiếc xe máy, nhờ nộp lệ phí trước bạ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia nên đã tiết kiệm được nhiều thời gian so với việc phải đến trực tiếp cơ quan thuế để làm thủ tục như trước đây. Rất mong thời gian tới, TP Hà Nội triển khai thêm nhiều dịch vụ công trực tuyến khác để người dân thuận lợi trong việc làm các thủ tục hành chính”.

Nhằm thúc đẩy, triển khai mạnh mẽ hơn nữa các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, thành phố tập trung huy động sự vào cuộc và xác định lực lượng nòng cốt triển khai đề án bước đầu là các tổ công tác cấp thôn, bản, tổ dân phố. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung cao điểm công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và biện pháp phù hợp để người dân trên địa bàn đăng ký tài khoản định danh điện tử, sử dụng ứng dụng VNeID và các dịch vụ công trực tuyến của thành phố.

ANH VIỆT

Lượt xem: 65
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết