Nhìn thẳng - Nói thật: Đừng “nhào xuống vực sâu”
Ngạn ngữ Nga có câu đại ý: Cuộc sống đâu phải như đi qua cánh đồng. Một trong những hàm ý của câu ngạn ngữ này muốn khuyên nhủ người ta là đừng nhìn cuộc đời quá đơn giản, xuôi chiều, phẳng lặng; muốn cuộc sống không thụ động thì mỗi người phải nỗ lực rèn luyện, dám đương đầu và biết vượt qua khó khăn, thử thách, kể cả dám băng rừng, lội suối dù có gian nan, vất vả, nhưng chắc chắn sẽ làm cho đôi chân cứng cáp, vững vàng hơn.
Một trong những điều Bác Hồ căn dặn thanh, thiếu niên và mỗi chúng ta là phải kiên trì học tập, làm theo những cái tốt, điều hay, lẽ phải và hết sức phòng ngừa, tránh xa những thói hư, tật xấu. Bác từng khẳng định: “Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu”.
Tiếc rằng, thời nay có không ít người một phần vì nhìn đời đơn giản, chỉ toàn thấy màu hồng sau khi đạt được một vài thành tựu nào đó; phần khác do không bền bỉ tu dưỡng đạo đức, trau dồi bản lĩnh mà đã tự sa ngã và “nhào xuống vực sâu”.
Tên tuổi và ánh hào quang của họ bao năm tháng gây dựng bị chôn vùi cùng ma túy. Ảnh minh họa: baobariavungtau.com.vn |
Thời gian gần đây có gương mặt từng nổi đình nổi đám trong phong trào làm từ thiện xã hội, được ví như “cô tiên từ thiện”; có ca sĩ từng là thần tượng của rất nhiều người hâm mộ trẻ; có cầu thủ từng “làm mưa làm gió” trên các sân cỏ quốc gia và được vinh danh Quả bóng Vàng Việt Nam... nhưng chỉ trong chốc lát, tên tuổi và ánh hào quang của họ bao năm tháng gây dựng bị chôn vùi cùng ma túy.
Dẫu sao, những ca sĩ, diễn viên, cầu thủ sớm thành danh, do ở tuổi đương xuân, ít nếm trải sóng gió trên đường đời nên khi dính vào cạm bẫy tệ nạn xã hội rồi tự “đóng cửa tương lai” bằng những tháng ngày bên song sắt, âu cũng có phần dễ hiểu.
Điều đáng nói hơn, có những người giỏi giang, năng lực nổi trội, có sức ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực chuyên môn, được rất nhiều người nể trọng; thậm chí có người từng trải qua nhiều trường lớp, đảm đương nhiều vị trí công tác từ cơ sở, phấn đấu trở thành cán bộ trung cấp, cao cấp, được xã hội trọng vọng, nhưng cũng bị nhiễm thói hư, tật xấu rồi “nhào xuống vực sâu”. Sau khi sa ngã, có người bị thu hồi danh hiệu cao quý, có người bị miễn nhiệm chức danh, có người bị tước cả quyền tự do công dân có thời hạn.
Theo các chuyên gia tâm lý, một trong những căn nguyên khiến con người sau khi đạt thành công, hào quang nào đó trong cuộc sống, công tác, nghề nghiệp thì dễ bằng lòng, mãn nguyện với chính mình. Khi giới hạn đó đi quá xa sẽ chuyển hóa thành tính tự phụ, tự mãn. Họ tự tin thái quá nên kéo theo những suy nghĩ, ứng xử, hành vi không đúng phép tắc, chuẩn mực rồi dần chủ quan, tự cho mình là nhất và tự đánh mất tính khiêm tốn, cầu thị của bản thân. Đó chính là nguồn cơn của những bước sa chân rồi “nhào xuống vực sâu”.
Cuộc sống đã đúc kết thành bài học như một nguyên lý: Đạt được danh hiệu đã khó, giữ được danh hiệu càng khó hơn. Thành công, danh hiệu sẽ chỉ có ý nghĩa, giá trị, sức lan tỏa “hữu xạ tự nhiên hương” khi người ta luôn coi đó chỉ là bước đầu, bước đệm để tiếp những bước vững vàng, chắc chắn, bền bỉ hơn. Nếu ai không tỉnh táo, không hành xử đúng mực với nguyên lý này thì nguy cơ thất bại luôn tiềm ẩn và có thể khiến bản thân “nhào xuống vực sâu” bất cứ lúc nào.
Có câu danh ngôn “Kiêu căng là bãi cát lún của lý trí”. Thành công, danh vị đến với ai quá sớm, quá dễ dàng có thể là điều may mắn với người trong cuộc, nhưng “chữ tài liền với chữ tai một vần” cũng là lẽ thường nếu như người ta thiếu bản lĩnh, thiếu suy xét thiệt-hơn, được-mất vốn là quy luật bù trừ của cuộc đời.
THIỆN VĂN