• :
  • :

Thách thức trong "cuộc chiến" với viêm gan virus

Bộ Y tế cảnh báo Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan ở mức cao nhưng hiện nay việc phòng ngừa bệnh viêm gan chưa được chú trọng đúng mức. Đa phần người dân đều chủ quan với bệnh này và chỉ được phát hiện khi đi khám sức khỏe hoặc đi khám bệnh, nhưng lúc này bệnh thường đã phát triển đến giai đoạn xấu...

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phẫu thuật cứu bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan. (Ảnh: BVCC)
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phẫu thuật cứu bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan. (Ảnh: BVCC)

Được biết đến là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong lớn thứ 2 thế giới, viêm gan virus đang là gánh nặng và thách thức đối với công tác phòng ngừa, điều trị viêm gan, xơ gan, ung thư gan ở Việt Nam.

Đầu tháng 7/2024, một nam bệnh nhân 26 tuổi ở Cao Bằng ung thư gan đã được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phẫu thuật, cứu sống. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng ốm yếu, chỉ nặng 40kg, khối u gan ở giai đoạn muộn với đường kính hơn 20cm đã xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới và vỡ gây chảy máu dưới bao gan. Người thân của bệnh nhân cho biết trước đó gia đình đã có 3 người chết vì ung thư gan.

Theo số liệu từ Hội Gan mật Việt Nam, Phân hội Phẫu thuật Gan mật tụy Việt Nam, ở nước ta ung thư biểu mô tế bào gan là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất do ung thư với số mắc mới và tử vong hằng năm đều trên 25.000 trường hợp. Thông tin từ đơn vị điều trị bệnh truyền nhiễm, ung thư đã ghi nhận các trường hợp 2 - 4 người trong cùng gia đình bị ung thư gan, trong đó có các ca tử vong, sau thời gian bị viêm gan virus.

Hiện nay, virus viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV) cũng như tiêu thụ nhiều bia, rượu là nguyên nhân gây ung thư gan và xơ gan hàng đầu, ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C. Hai loại virus này còn rất dễ lây truyền và là loại bệnh có ảnh hưởng nguy hại rất lớn đến sức khỏe. Số trường hợp tử vong do virus viêm gan B ở nước ta nhiều năm qua là hơn 23.000 người và tử vong do virus viêm gan C là xấp xỉ 7.000 người trường hợp.

Mới đây, tại Hội thảo thường niên với chủ đề “Chung tay phòng trị viêm gan, xơ gan và ung thư gan ở Việt Nam” kỷ niệm Ngày Viêm gan thế giới vào cuối tháng 7 hàng năm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cho biết, những năm qua Hội Gan mật Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình truyền thông về ung thư gan mang tính chất thông tin đại chúng để toàn dân chung tay phòng, chống virus viêm gan. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn, nhận thức của người dân về mức độ tác hại của virus viêm gan còn thấp.

Bộ Y tế cảnh báo Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan ở mức cao nhưng hiện nay việc phòng ngừa bệnh viêm gan chưa được chú trọng đúng mức. Đa phần người dân đều chủ quan với bệnh này và chỉ được phát hiện khi đi khám sức khỏe hoặc đi khám bệnh, nhưng lúc này bệnh thường đã phát triển đến giai đoạn xấu như viêm gan cấp, viêm gan mãn, xơ gan hoặc ung thư gan. Trong khi, virus viêm gan B và viêm gan C rất dễ lây truyền trong cộng đồng thông qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con. Đường lây truyền tương tự virus HIV, tuy nhiên khả năng lây nhiễm của virus viêm gan cao hơn nhiều lần so với HIV.

Nguy hiểm hơn, bệnh viêm gan C thường ít được chú ý so với viêm gan B do lây truyền chậm và ít biểu hiện nhưng lại gây ra những hậu quả rất nặng nề. Đáng lo ngại, hiện nay thế giới vẫn chưa có vaccine phòng ngừa loại virus này. Chưa kể, các loại thuốc điều trị viêm gan, đặc biệt là viêm gan C, rất đắt đỏ và tốn kém. Vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh viêm gan C là điều kiện quan trọng giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị thành công cao (vì hiệu quả điều trị giảm khoảng 10% mỗi năm) với chi phí điều trị cũng sẽ giảm đi đáng kể.

Đối với các trường hợp đã mắc bệnh lý viêm gan, sự chủ quan, bất cẩn còn đến từ việc không ít bệnh nhân tự ý mua thuốc về uống mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ, chỉ lo khắc phục triệu chứng như mệt mỏi, vàng da, phù, tăng men gan… bằng các sản phẩm chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng về cơ chế tác dụng. Hành động này có thể làm che lấp các triệu chứng của bệnh, khiến cho việc phát hiện bệnh trở nên khó khăn hơn và bỏ qua “giai đoạn điều trị vàng” cho các tổn thương sớm. Chưa kể các trường hợp bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị, tự ý ngừng thuốc dẫn đến hậu quả xấu như bùng phát virus, nguy cơ kháng thuốc,…

Trước thực tế trên, GS.TS.BS Lê Trung Hải - Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho biết, việc dự phòng, điều trị tốt với viêm gan B, viêm gan C và hạn chế rượu bia, kết hợp với các phương pháp chẩn đoán, điều trị toàn diện sẽ mang lại kết quả khả quan, hướng tới loại bỏ viêm gan. Từ đó góp phần hạn chế xơ gan, đẩy lùi ung thư gan và giảm nhẹ gánh nặng của ung thư gan, viêm gan và xơ gan ở Việt Nam. Đồng thời, Hội Gan mật Việt Nam tiếp tục tăng cường phối hợp với Bộ Y tế để thực hiện những chương trình lớn mang tầm quốc gia, chuyển tải những thông tin mang tính chất phổ thông hơn để người dân cùng đồng hành trong công tác phòng và điều trị viêm gan.

Lượt xem: 8
Tác giả: Linh Chi
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...