Vướng nguồn cung từ Mỹ, tội phạm Mexico nhập vũ khí từ Trung Mỹ
Mexico đang nỗ lực hết sức để chống lại dòng vũ khí tràn qua biên giới phía Bắc của họ nhưng các nhóm tội phạm nước này dường như cũng đang tìm kiếm các loại vũ khí mới từ phía Nam. Dòng chảy vũ khí này tạo điều kiện cho các cuộc tranh giành giữa các băng đảng và khiến các vụ giết người ở Mexico lên mức kỷ lục.
Công nhân Công ty Indumil làm việc trong nhà máy sản xuất súng trường Galil ở thành phố Soacha, Colombia |
Chính phủ Mexico đang theo đuổi vụ kiện chưa từng có tiền lệ chống lại các nhà sản xuất súng hàng đầu của Mỹ. Đáng nói, 13 tiểu bang của Mỹ, đặc khu Columbia và hai quốc gia vùng Caribe đã ủng hộ vụ kiện trị giá 10 tỷ USD này. Nhưng trong bối cảnh đó, các tổ chức tội phạm Mexico lại đang bắt đầu sử dụng các tuyến đường mới để có được “hàng nóng”. Theo các nguồn tin từ nội bộ Tập đoàn Sinaloa và các vụ bắt giữ vũ khí gần đây, các băng đảng tội phạm ở Mexico đang ngày càng tìm kiếm nguồn vũ khí từ Trung Mỹ. El Güero, thành viên băng đảng Sinaloa ở thành phố Culiacán, bang Sinaloa cho biết: “Chiến dịch của chính phủ đang khiến công việc của chúng tôi chậm lại nhưng chúng tôi không dừng lại mà tìm cách mới, gồm cả cửa sau: Trung Mỹ”.
Các nhóm tội phạm Mexico từ lâu đã gắn bó với vũ khí do nước ngoài sản xuất như AK-47 và M16, nhưng theo El Güero, hiện nay việc sử dụng Galil ACE, một loại súng trường của Israel là phổ biến hơn cả. ACE là vũ khí chính thức của lực lượng thực thi pháp luật Mexico và Colombia. Có một điều El Güero thích ở Galil, đây là khẩu súng trường duy nhất ở Mexico không bị quân đội chính thức hạn chế sử dụng. Nguồn cung súng trường Galil chính của tay buôn vũ khí này là Colombia vì ở đó, các lực lượng du kích cũng như các nhóm tội phạm có thể dễ dàng tiếp cận chúng. “Tôi lấy hàng từ Colombia dễ dàng hơn nơi khác, mặc dù giá cả đắt hơn gần 50% so với số vũ khí mà tôi nhận được từ Mỹ”, El Güero cho biết.
Hồi tháng Giêng, nhà chức trách Colombia thông báo, 22 khẩu súng trường Galil bị đánh cắp từ một sở cảnh sát địa phương. Vào tháng 10-2021, một đồn cảnh sát địa phương khác thông báo có 5 khẩu Galil mất tích. Trong 7 tháng trước đó, 11 khẩu đã “biến mất” khỏi bệnh viện quân sự địa phương và một căn cứ quân sự ở khu đô thị Valle de Cauca.
Một báo cáo gần đây của Ủy ban Quốc tế Chống lại sự trừng phạt ở Guatemala (CICIG) nêu chi tiết ít nhất 45 cơ sở ở Mexico và Guatemala được những kẻ buôn bán vũ khí sử dụng để buôn lậu vũ khí, hầu hết đều qua đường bộ hoặc đường biển. Theo đó, hầu hết các loại súng này thuộc về quân đội hoặc lực lượng cảnh sát trước khi chúng được bán hoặc nhập lậu vào chợ đen. Ngoài ra, các nguồn cung cấp súng từ Trung Mỹ tới Mexico còn có El Salvador, Nicaragua…
Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, vào năm 2020, Mexico đã chi hơn 41 triệu USD cho trang thiết bị quân sự, bao gồm vũ khí tự động, súng, đạn dược và chất nổ. Ông Ioan Grillo, nhà báo kiêm tác giả một cuốn sách gần đây về buôn bán vũ khí “Máu, Súng, Tiền” cho biết, một lượng không nhỏ là súng bị quân đội hoặc cảnh sát thu giữ lại tuồn ra ngoài cho tội phạm. Trong khi các vụ giết người hàng năm ở Mexico đã giảm từ mức kỷ lục 34.690 vào năm 2019, con số trung bình vẫn là hơn 30.000 vụ mỗi năm. Một yếu tố thúc đẩy các vụ giết người ở mức độ cao là bạo lực gia tăng liên quan đến các tổ chức tội phạm.
Thành viên băng đảng Sinaloa El Güero thừa nhận, các nhóm tội phạm Mexico hiện đang cạnh tranh gay gắt, cần đến “hàng tấn vũ khí”. “Giao tranh rất tốn kém, nhưng mọi người trong giới này đều có tiền nên nếu không đủ nguồn vũ khí từ Mỹ, chúng tôi phải lấy từ các nước khác, thậm chí từ chính Mexico”, người này nói.