• :
  • :

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Sáng 23-3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Dân chủ không chỉ ở cấp xã

Theo tờ trình của Chính phủ, tên gọi ban đầu của dự án luật được xác định là Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, nếu chỉ giới hạn tên gọi và phạm vi điều chỉnh ở xã, phường, thị trấn thì chưa phù hợp với chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do vậy, Chính phủ đã thống nhất đề nghị tên gọi của dự án là “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”. Tên gọi của dự án luật nhận được sự nhất trí của cơ quan chủ trì thẩm tra sơ bộ là Thường trực Ủy ban Pháp luật.

 Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với mục đích, yêu cầu và thực tiễn thì phạm vi điều chỉnh của dự án luật cần đầy đủ và toàn diện về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dân chủ ở cơ sở bao gồm 3 khối. Khối xã, phường, thị trấn có các “tế bào” là cộng đồng dân cư ở tổ dân phố, thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc… Khối các cơ quan, đơn vị, tổ chức bao gồm cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Khối các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế bao gồm cả doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… Cùng với đó, nước ta có một số huyện đặc thù không có tổ chức chính quyền cấp xã như Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo nên tính chất mối quan hệ dân chủ ở cơ sở tại những địa phương này cũng có đặc thù riêng.

Riêng phần quy định về dân chủ ở doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng chỉ cần quy định một điều mang tính nguyên tắc về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, giao Chính phủ quy định chi tiết. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không nhất trí với ý kiến này, vì cần bảo đảm bình đẳng giữa 3 khối. Hơn nữa, quy định về dân chủ trong doanh nghiệp cũng đã được quy định tại nhiều văn bản dưới luật nên cần nghiên cứu kế thừa, phát triển để quy định vào dự án luật.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhắc lại một số vụ đình công, bãi công, lãn công ở các doanh nghiệp xuất phát từ việc không lấy ý kiến người lao động, nhất là về những vấn đề liên quan trực tiếp đến người lao động như tăng giờ làm. Do vậy, cần luật hóa một số quy định cụ thể về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, như doanh nghiệp nhà nước thì cần công khai, minh bạch vấn đề gì, doanh nghiệp tư nhân thì thực hiện dân chủ như thế nào…

 Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Dân biết, bàn, kiểm tra, giám sát như thế nào?

Để thể chế hóa đầy đủ phương châm đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung, làm rõ các hình thức, nội dung về kiểm tra, giám sát, hiệu lực của kiến nghị sau kiểm tra, giám sát; đồng thời tiếp tục nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa cơ chế “dân thụ hưởng” tại mỗi loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở trong dự thảo luật.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội, cũng nhất trí với Thường trực Ủy ban Pháp luật và đặt vấn đề nên chăng làm rõ dân biết như thế nào, dân bàn như thế nào, dân kiểm tra như thế nào, dân kiểm tra là kiểm tra trực tiếp hay tham gia kiểm tra…

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị nghiên cứu bổ sung vào tờ trình một số vấn đề như cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Về cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, cần phát huy vai trò của Ban công tác mặt trận tổ dân phố, làng, bản, thôn, ấp… Ở mỗi loại hình dân chủ ở cơ sở thì phải làm rõ dân thụ hưởng cái gì và thụ hưởng như thế nào…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm, đây là dịp để thể chế hóa chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Phương châm phát huy quyền làm chủ của nhân dân là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Suy cho cùng mọi thành quả của sự nghiệp đổi mới mà dân không tham gia thì không thể thành công. Những thành quả của sự nghiệp đổi mới mà dân không được hưởng thì cũng không có ý nghĩa. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương; góp phần thể chế hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

 Quang cảnh phiên họp.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội dẫn mô hình thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các đơn vị quân đội. Theo đó, dân chủ không chỉ trong nội bộ đơn vị quân đội, mà còn mở rộng ra cả trong quan hệ giữa đơn vị với nhân dân, với các cơ quan trong hệ thống chính trị và với chính quyền các cấp. Do thực hiện tốt mô hình dân chủ ở cơ sở như vậy, nên công tác dân vận của quân đội được thực hiện rất tốt. Vì thế, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, dân chủ ở cơ sở không nên chỉ bó hẹp là dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

Không nên bỏ những thiết chế đã có

Thảo luận về thiết chế Ban thanh tra nhân dân, các ý kiến đều ủng hộ việc tiếp tục duy trì thiết chế này và nghiên cứu đồng thời sửa đổi Luật Thanh tra để chuyển quy định về Ban thanh tra nhân dân từ Luật Thanh tra sang dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị, dự án luật cần kế thừa thiết chế Ban giám sát đầu tư cộng đồng trong quy chế dân chủ ở cơ sở trước đây. Đây là thiết chế phát huy hiệu quả rất tốt, nhất là trong việc bảo đảm chất lượng các công trình. Trong dự thảo luật hiện chưa có quy định về Ban giám sát cộng đồng.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị quy định kỹ hơn về thiết chế Ban thanh tra nhân dân, vì đây là hình thức cụ thể để thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cụ thể là cần thiết kế kỹ hơn về vai trò của thanh tra nhân dân, hoạt động của thanh tra nhân dân…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với các quan điểm này, cho rằng những thiết chế đã có, đang làm tốt thì nên kế thừa, trong đó có Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Đồng tình với đề xuất đưa nội dung quy định về Ban Thanh tra nhân dân từ Luật Thanh tra sang dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong dự án luật cần bổ sung quy định giải thích từ ngữ về Ban Thanh tra nhân dân và thanh tra nhân dân. Bên cạnh đó, cần xem xét tới vai trò của tổ chức công đoàn trong việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về thanh tra nhân dân trong doanh nghiệp.

CHIẾN THẮNG

Tags: qdnd
Lượt xem: 272