• :
  • :

Ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, sáng 23-4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Trung bình mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người

Báo cáo nội dung này tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới khái quát, tình hình trật tự, an toàn giao thông có những chuyển biến tích cực, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người tham gia giao thông được nâng cao, số vi phạm có xu hướng giảm, nhất là vi phạm về chở hàng quá tải trên đường bộ đã giảm mạnh; ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện.

Qua đó, số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm, đặc biệt là số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đã góp phần bảo đảm trật tự xã hội trên các tuyến, địa bàn giao thông. 

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, các địa phương chủ động đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nhiều công trình, dự án đã được triển khai, hoàn thành đúng và vượt tiến độ, nhất là đã hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều tuyến đường trọng điểm, một số dự án cầu treo dân sinh và đường nông thôn.

Việc lắp đặt và vận hành hệ thống thu phí không dừng trên toàn quốc đã hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đã đi vào hoạt động ổn định, thực sự mang lại nhiều lợi ích, trong đó là việc kéo giảm sâu ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí dịp cao điểm...

Bên cạnh những ưu điểm, Đoàn giám sát chỉ ra một số hạn chế, bất cập. Theo đó, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch giao thông đường bộ, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn còn nhiều hạn chế; việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông ở một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, đi lại của nhân dân; công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tuy có nhiều đổi mới, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ của một bộ phận không nhỏ người được cấp giấy phép lái xe chưa cao, tình trạng lái xe vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ còn nhiều.

Đáng chú ý, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ mặc dù đã được tăng cường, tuy nhiên kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao; tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng.

Theo báo cáo giám sát, từ năm 2009 đến năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 406.688 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 138.784 người, bị thương 386.002 người. “Trung bình mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người, trong đó đa số là lực lượng đang trong độ tuổi lao động, gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội”, đoàn giám sát nhận định.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày dự thảo báo cáo kết quả giám sát.

Khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cũng nêu các giải pháp chủ yếu, như tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ và các tuyến đường địa phương trọng yếu theo quy hoạch; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo trì quốc lộ và xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông.

Khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông; rà soát, bố trí các vị trí đỗ xe tĩnh trong đô thị cho phù hợp; thực hiện nghiêm túc quy định về hành lang an toàn giao thông, không để xảy ra tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh gây cản trở giao thông.

Song song với đó là huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; hiện đại hóa các trung tâm chỉ huy giao thông; bảo đảm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về trật tự an toàn giao thông đường bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

ANH PHƯƠNG

 

Tags: giao thông
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...