• :
  • :

Triển khai các chương trình khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sinh viên gắn với nhiệm vụ phát triển Thủ đô

TP Hà Nội đang đẩy mạnh cơ chế đặt hàng, trong đó có việc nghiên cứu để giải quyết các vấn đề cấp thiết với quá trình phát triển Thủ đô. Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cần chủ động bám sát chương trình lớn của TP, triển khai các chương trình khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sinh viên gắn với phát triển Thủ đô.

Sáng 2/12, Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội làm việc với Trường Đại học Xây dựng về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và Luật Khoa học và công nghệ năm 2013.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Anh Tuấn chủ trì buổi giám sát.

Triển khai các chương trình khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sinh viên gắn với nhiệm vụ phát triển Thủ đô
Quang cảnh buổi giám sát

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Phát biểu mở đầu buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nhiều năm nay, Hà Nội luôn xác định việc huy động nguồn lực tri thức trong quá trình phát triển Thủ đô là vô cùng quan trọng và đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy hoạt động KHCN.

Sau Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, Thành ủy Hà Nội đã đặt ra 10 chương trình công tác lớn, trong đó có Chương trình số 07 về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025” nhằm tăng cường nguồn lực cho sự phát triển của Thủ đô.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và Sở Khoa học và Công nghệ đã chọn 1 chuyên đề để nắm tình hình thực hiện việc phát triển KHCN. Đồng thời lựa chọn 2 đơn vị để khảo sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI cũng như Luật KH&CN năm 2013.

“Buổi làm việc nhằm nắm bắt thực tiễn để huy động hiệu quả nguồn lực cho quá trình triển khai nhiệm vụ của Thủ đô, đặc biệt là trong phát triển đô thị. Đoàn giám sát mong muốn được lắng nghe các kết quả cùng những khó khăn, vướng mắc thực tiễn nhằm làm tốt hơn công tác quản lý hoạt động KHCN trên địa bàn Thủ đô”- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về KHCN và đổi mới sáng tạo, đặc biệt những nội dung liên quan trong Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển KHCN, Luật khoa học và công nghệ... những năm qua Nhà trường đã gắn công tác đào tạo với thị trường lao động, nghiên cứu ứng dụng KHCN, hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, tổ chức KH&CN; Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ nghiên cứu ngang tầm khu vực và quốc tế. Hiện nhà trường có 5 nhóm nghiên cứu mạnh và 25 nhóm nghiên cứu tập trung vào các sản phẩm công bố quốc tế, sở hữu trí tuệ và sản phẩm ứng dụng phục vụ phát triển KT-XH của đất nước.

Trong giai đoạn 2016-2022, Nhà trường đã và đang thực hiện 30 đề tài cấp quốc gia trong đó 3 đề tài nghị định thư với Đài Loan, Cộng hòa LB Đức và Hàn Quốc; 47 dự án hợp tác quốc tế (riêng dự án SATREPS có kinh phí khoảng 53 tỷ đồng). Các đề tài, dự án này về cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ và có chất lượng tốt đáp ứng được nhu cầu của công tác nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ của xã hội và phát triển KHCN của nhà trường.

Triển khai các chương trình khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sinh viên gắn với nhiệm vụ phát triển Thủ đô
Chuyên gia - Thành viên đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Bên cạnh các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, số lượng nhiệm vụ KHCN cấp Bộ cũng phát triển mạnh cả về lượng và chất.Nhà trường đã và đang chủ trì thực hiện 227 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ và tương đương, trong đó Bộ Giáo dục và đào tạo 75 nhiệm vụ, Bộ Xây dựng 134 nhiệm vụ, Bộ Giao thông vận tải 10 nhiệm vụ, các Bộ khác có 8 nhiệm vụ. Đề tài KHCN cấp tỉnh, TP giai đoạn 2016 - 2022 có 14 đề tài, trong đó chủ yếu là giải quyết các nhiệm vụ của TP Hà Nội. Kết quả nghiên cứu của các đề tài này được các địa phương đánh giá cao, đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn...

Song song với đó, các nhiệm vụ KHCN do Nhà trường chủ trì thời gian qua cũng đã công bố và xuất bản 32 tiêu chuẩn Quốc gia, tiêu chuẩn ngành (TCVN, TCN), đóng góp vào phát triển của ngành xây dựng ở Việt Nam.

Phát huy các tiềm năng, dư địa trong công tác phối hợp với thành phố

Trao đổi tại buổi giám sát, TS Phạm Duy Hòa, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội khẳng định, việc thực hiện KHCN ở các trường Đại học là công việc thường xuyên, trong đó Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI là “lực đẩy” quan trọng thúc đẩy hoạt động này. Ông cho biết, trong những năm qua, hoạt động KHCN tại Trường Đại học Xây dựng có những phát triển mạnh mẽ. Cán bộ nhà trường đã tham gia rất nhiều hoạt động công nghệ trong môi trường quốc tế; Nhiều hoạt động hướng tới giá trị cộng đồng được triển khai tích cực. Trường cũng đã tích cực tham gia các chương trình, kế hoạch lớn của TP, bám sát nhu cầu thực tế, tham gia trực tiếp giải quyết các vấn đề của TP.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội kiến nghị tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo TP và Bộ GD&ĐT để thực hiện đúng đắn các chủ trương đường lối, chính sách trong công tác phát triển KHCN của nhà trường. TP Hà Nội quan tâm hơn tới phát triển KH&CN của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn thông qua các cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu cơ bản, tiềm năng. Trường cũng kiến nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội có cơ chế phối hợp giám sát và phản biện xã hội trong các lĩnh vực mà nhà trường có thế mạnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát thống nhất đánh giá, tiềm năng và dư địa phát triển KHCN của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là rất lớn. Do vậy, Nhà trường cần bám sát các chương trình kế hoạch của TP và nhu cầu của Sở, ngành, địa phương, qua đó tăng cường đặt hàng, giải quyết các vấn đề về môi trường, đô thị, vật liệu mới... Cùng với đó, tăng cường kết nối với các nhà khoa học và doanh nghiệp trong việc ươm tạo KHCN; Chủ động hơn trong tiếp nhận nắm bắt thông tin các chương trình, kế hoạch của TP như Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô; 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII... để chủ động xây dựng các nhiệm vụ KHCN phù hợp thực tiễn.

Triển khai các chương trình khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sinh viên gắn với nhiệm vụ phát triển Thủ đô
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Kết luận buổi giám sát Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám hiệu Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) và Luật Khoa học và công nghệ năm 2013; Đồng thời đánh giá cao các kết quả mà Nhà trường đạt được, đặc biệt ở việc tự chủ trong nghiên cứu khoa học, đào tạo được gắn với thị trường và thực tiễn; Đẩy mạnh hợp tác khoa học với các Bộ, ngành, viện nghiên cứu;. Triển khai các quy chế nội bộ, tạo điều kiện khuyến khích giảng viên, học sinh nghiên cứu khoa học…

Cho biết, TP đang đẩy mạnh cơ chế đặt hàng, trong đó có việc nghiên cứu các vấn đề quan trọng để giải quyết các vấn đề cấp thiết với quá trình phát triển Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đề nghị Nhà trường tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển KHCN đối với phát triển đất nước, Thủ đô; Chủ động bám sát chương trình lớn của TP, phát huy thế mạnh, triển khai chương trình KHCN trong sinh viên gắn với phát triển Thủ đô.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP mong muốn Nhà trường và các nhà khoa học tích cực tham gia cùng MTTQ TP tư vấn, giám sát, phản biện các chương trình lớn của TP, đặc biệt trong các lĩnh vực là thế mạnh của Nhà trường và đang là bức thiết của Thủ đô như quy hoạch, hạ tầng, giao thông, môi trường.