• :
  • :

Thị trường vàng làm “nóng” nghị trường Quốc hội

Vấn đề giá vàng, quản lý thị trường vàng được các đại biểu Quốc hội chất vấn sôi nổi đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, sáng 11/11.

Giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng

Chất vấn Thống đốc, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho biết, thời gian vừa qua, có ý kiến cho rằng, do có nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý và công tác phối hợp chưa tốt, nên hiệu quả quản lý thị trường vàng chưa cao.

Thị trường vàng làm “nóng” nghị trường Quốc hội

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang)

Do đó, đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết quan điểm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn đối với vấn đề này trong thời gian tới.

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mỗi lĩnh vực, mỗi ngành có cơ quan chủ trì thống nhất quản lý và có các bộ, ngành khác tích cực tham gia. Các nhiệm vụ này đã được quy định rõ trong văn bản quy phạm pháp luật, không trùng lắp nhau về trách nhiệm, thẩm quyền.

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý thị trường vàng, các Bộ, ngành cần tăng cường phối hợp chặt chẽ. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an.

Trước khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức can thiệp vàng thì cơ quan này đã họp, mời đại diện của các cơ quan, đặc biệt là Bộ Công an để hỗ trợ, theo dõi quá trình triển khai để tránh các hành vi trục lợi, gian lận trong quá trình can thiệp.

Thị trường vàng làm “nóng” nghị trường Quốc hội

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn

Thống đốc cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước thực hiện vai trò chủ trì, đầu mối để phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan hữu quan để kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh, mua bán vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, từ đó kịp thời tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định để khắc phục những hạn chế, khó khăn, quản lý chặt chẽ thị trường này.

Không khuyến khích người dân giữ vàng

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) dẫn báo cáo về thị trường vàng đề cập một trong những tồn tại là chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành tiền đồng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Thị trường vàng làm “nóng” nghị trường Quốc hội

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình)

"Vàng trong dân là vàng chết, trong khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh rất lớn. Đề nghị Thống đốc cho biết thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế", bà Trần Thị Hồng Thanh nêu chất vấn.

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, để chống vàng hóa và đô la hóa, Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Nếu chuyển hóa sang tiền đồng sẽ có cơ hội đầu tư, kinh doanh, hoặc gửi tiền vào ngân hàng để cho vay sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư vào lĩnh vực khác phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Do đó, tinh thần của Ngân hàng Nhà nước là không khuyến khích người dân trữ vàng, đặc biệt là vàng miếng, bởi vàng miếng có giá trị cao, nên Nhà nước có chính sách độc quyền để xuất nhập khẩu vàng miếng và quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán, kinh doanh.

Giá vàng đua lập đỉnh, người sở hữu hoa mắt, chóng mặt

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nêu thực trạng chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước quá cao, cho thấy thị trường chưa ổn định, tiềm ẩn rủi ro tác động tới thị trường ngoại hối.

Đặc biệt, giá vàng đua lập đỉnh khiến người sở hữu "hoa mắt, chóng mặt". Do đó, ông Mai đề nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp nào để người dân yên tâm sự ổn định của VND, từ bỏ tâm lý tích trữ vàng?

Thị trường vàng làm “nóng” nghị trường Quốc hội

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông)

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, hiện vàng cũng là vấn đề đau đầu của thế giới. Trước khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp, giá quốc tế mỗi ounce khoảng 2.300 - 2.400 USD, nhưng hiện đã tăng lên 2.700 USD. Như vậy, so với đầu năm, kim loại quý đã tăng hơn 50%.

Theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường vàng để thu hẹp chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế, bởi khi nhu cầu người dân tăng cao như vừa qua đã xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng. Sau các biện pháp can thiệp, mức chênh giữa thị trường quốc tế và trong nước rút về còn 3 - 4 triệu đồng một lượng.

Mặc dù vậy, giá vàng vẫn chưa ổn định do nhiều yếu tố khách quan như tình hình kinh tế thế giới. Đồng thời, vàng cũng phụ thuộc nhiều biến số như lãi suất, tỷ giá, giá dầu trên thị trường quốc tế.

Thống đốc khẳng định, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến thị trường và sẽ có giải pháp can thiệp khi cần thiết; cùng các bộ, ngành đánh giá tổng kết Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng và tham mưu, đề xuất Chính phủ giải pháp để xử lý tồn tại trên thị trường này.

Về lâu dài, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa. Do đó, các chính sách đưa ra phải làm sao để vàng không còn là mặt hàng hấp dẫn để đầu tư, đầu cơ. Với nhu cầu vàng để tích lũy theo truyền thống, cơ quan quản lý đánh giá để có giải pháp cung ứng kim loại quý ra thị trường một cách phù hợp.

Liên quan tới việc khi vàng miếng SJC điều chỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh khác cũng thay đổi theo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải thích thực tế người dân mua cao thì bán cao và ngược lại. Trong khi doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, họ phải tính toán để không chịu rủi ro khi chỉ là trung gian mua bán.

Còn tổ chức mua vàng rồi sau đó bán lại, họ cũng chịu rủi ro về vốn. Theo quy định hiện nay doanh nghiệp không được vay để mua vàng, nên họ cũng phải thận trọng trong cân đối vốn bởi mua lúc cao, bán khi thấp có thể chịu rủi ro. Theo bà Hồng, bản thân Ngân hàng Nhà nước khi mua vàng trên thị trường quốc tế về bán can thiệp trong nước cũng phải có các biện pháp phòng ngừa rủi ro.

"Vàng có giá trị cao, giá lên xuống thất thường. Ngân hàng Nhà nước cảnh báo người dân, doanh nghiệp khi đầu tư vào kim loại quý cần thận trọng, tính toán phù hợp", bà Hồng nói.

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 1
Tác giả: Thành Nhân
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...