• :
  • :

Thêm cơ hội cho thỏa thuận hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan

Các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan sẽ gặp nhau vào tuần tới trong một nỗ lực mới nhất nhằm tiến tới một thỏa thuận hòa bình lâu dài và giải quyết những khác biệt lâu dài về tranh chấp lãnh thổ Nagorny-Karabakh.

Financial Times ngày 8-5 cho biết, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev sẽ nối lại các cuộc đàm phán hòa bình vào ngày 14-5 tại trụ sở Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ), theo sáng kiến của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.

Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này kể từ cuộc gặp tại Munich (Đức) vào tháng 2 vừa qua.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tham dự một hội nghị tại Brussels vào tháng 4-2022. Ảnh: AFP

Việc Armenia và Azerbaijan nhất trí tiến hành đàm phán ở cấp cao nhất là dấu hiệu tiến triển quan trọng trong nỗ lực nhằm bình thường hóa quan hệ song phương. Mặt khác, đây cũng là động thái mới nhất sau các cuộc đàm phán hòa bình quan trọng và tích cực giữa ngoại trưởng hai nước tại thủ đô Washington, D.C. (Mỹ) vào tuần trước.

Theo đó, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã tiến hành đàm phán trong 4 ngày tại Mỹ. Dù hai bên chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt tình trạng xung đột kéo dài nhưng theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hai bên đã đạt được “tiến bộ rõ rệt” và có thể tiến tới một thỏa thuận giải quyết căng thẳng.

Reuters cho hay, Bộ Ngoại giao Azerbaijan cũng ra thông báo xác nhận nước này và Armenia đã đạt được hiểu biết về một số điểm của thỏa thuận hòa bình song phương trong tương lai sau các cuộc đàm phán ở Mỹ.

Trong khi đó, Reuters dẫn thông báo từ Điện Kremlin cho biết bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải quyết xung đột giữa Armenia và Azerbaijan đều được hoan nghênh, nhưng cơ sở của bất kỳ giải pháp lâu dài nào phải là thỏa thuận hòa bình năm 2020 do Nga làm trung gian.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) với Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan (trái) và Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov tại cuộc đàm phán vừa qua ở Mỹ. Ảnh: The Armenian Weekly

Nhìn lại quan hệ bất hòa giữa Azerbaijan và Armenia, căng thẳng căn bản nhất là liên quan đến quyền kiểm soát khu vực Nagorny-Karabakh đang tranh chấp. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia. Vấn đề này gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc xung đột kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994.

Kể từ năm 2008, Armenia và Azerbaijan tiến hành hàng chục cuộc gặp cấp cao, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp đối với các vấn đề, trong đó có việc phân định biên giới. Các chuyên gia nhận định rằng, cả Armenia và Azerbaijan đều có thiện chí đàm phán nhưng cũng kiên định bảo vệ lợi ích của mình. Thậm chí, xung đột giữa hai bên liên quan khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh thường xuyên tái bùng phát. Những lần hai bên nổ súng qua lại thời gian qua, tuy không phải quy mô lớn, nhưng cũng cho thấy hòa bình thực chất có thể rất dễ đổ vỡ vì các diễn biến nhỏ. 

Quan hệ song phương càng trở nên căng thẳng sau khi Baku vào cuối tháng trước thiết lập một trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ duy nhất đi qua lãnh thổ Azerbaijan và nối Armenia với khu vực Nagorny-Karabakh. Azerbaijan khẳng định động thái này nhằm đối phó với khả năng cung cấp vũ khí của Armenia tại Nagorny-Karabakh, song Yerevan phủ nhận cáo buộc này. Ngược lại, Armenia coi việc thiết lập trạm kiểm soát là sự vi phạm thỏa thuận ngừng bắn năm 2020 do Nga làm trung gian giữa hai bên. Nga hiện triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nagorny-Karabakh.

Có thể nói, động thái Armenia và Azerbaijan tiếp tục cùng ngồi đối thoại với nhau đã được xem là một thành công. Dẫu vậy, việc quan trọng hơn là các bên phải duy trì được các cuộc đàm phán nhằm tìm cho ra “tiếng nói chung” để giải quyết căn bản bất hòa, từ đó mang lại hòa bình cho nhân dân hai nước.

MINH ANH (theo Financial Times, Reuters)