• :
  • :

Tân Chủ tịch McCarthy đối mặt với cơn ác mộng Hạ viện Mỹ

Những rối ren mà tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy chuẩn bị phải đối mặt còn khắc nghiệt hơn 15 vòng bỏ phiếu vừa qua.

Tân Chủ tịch McCarthy đối mặt với cơn ác mộng Hạ viện Mỹ

Ông McCarthy tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội Mỹ ở Washington DC. Ảnh: TTXVN

Nhiệm vụ đầu tiên - thực hiện quy tắc

Tuần này, các đảng viên Cộng hòa phải cố gắng đoàn kết xung quanh những nhượng bộ ông McCarthy đã đưa ra và thông qua một gói các quy tắc để điều hành Hạ viện trong hai năm tới.

Nhiệm vụ đầu tiên mang tính thách thức đối với những người theo chủ nghĩa ôn hòa trong đảng, liệu họ có đồng tình với chủ trương cắt giảm chi tiêu của ông McCarthy?

 

Tân Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (trái) chuẩn bị đối mặt với “cơn ác mộng” do những điều khoản được ông nhượng bộ gây ra. Ảnh: AFP

Trong khi bộ quy tắc của Thượng viện được áp dụng từ năm này qua năm khác, Hạ viện sẽ thông qua một gói quy tắc riêng cho mỗi kỳ Quốc hội.

Năm nay, Đảng Cộng hòa đã tiếp quản quyền kiểm soát Hạ viện từ tay Đảng Dân chủ, chính vì vậy họ luôn muốn ghi dấu ấn riêng trong những điều khoản. 

Hạn chế chi tiêu

Các đảng viên bảo thủ thường xuyên phàn nàn về mức chi tiêu ngày một tăng cao của Quốc hội Mỹ. Trong cuộc chạy đua cho vị trí chủ tịch Hạ viện, họ yêu cầu ông McCarthy phải tăng trần nợ và ban hành chính sách cắt giảm chi tiêu.

Dự kiến cuộc tranh luận sẽ trở nên gay gắt trong những tháng tới, khi chính phủ hết quyền bổ sung vào khoản nợ quốc gia 31 nghìn tỉ USD.

Đảng viên Đảng Cộng hòa cho biết, họ đang cố gắng giữ vững chi tiêu cho quốc phòng và bảo hiểm y tế, những yếu tố chiếm một phần tương đối nhỏ trong ngân sách liên bang. Bên cạnh việc cắt giảm chi tiêu, chính phủ có lẽ sẽ lựa chọn cách tăng thuế. Các quy tắc được đề xuất yêu cầu đa số Hạ viện (3/5) ký bất kỳ điều khoản tăng thuế nào.

Quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn

Nếu ông McCarthy không thực hiện những nhượng bộ như đã hứa, mọi thành viên đều có quyền bỏ phiếu kiến nghị phế truất ông khỏi chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện. Chỉ cần một bộ phận nhỏ đảng viên Đảng Cộng hoà cùng với Đảng Dân chủ đồng tình là ông McCarthy có thể bị lật đổ.

 

Bất cứ ai cũng có quyền kích hoạt quá trình bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện. Ảnh: AFP

Quy tắc nhượng bộ đã hạn chế khả năng đàm phán của tân Chủ tịch Hạ viện đối với Đảng Dân chủ. Ông McCarthy có thể thuyết phục các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện bỏ phiếu cho việc cắt giảm mạnh chi tiêu, nhưng khó khăn lớn nhất của ông là tìm ra đạo luật có thể được cả Hạ viện, Thượng viện và Tổng thống Joe Biden thông qua.

Thay đổi vì một chính quyền cởi mở

Những quy tắc nhượng bộ rõ ràng của ông McCarthy được một số người ủng hộ nhận định là cần thiết để thiết lập một chính quyền cởi mở. Tuy nhiên, phần đông nghị sĩ cho rằng, sự nhượng bộ của tân Chủ tịch Hạ viện chỉ đơn thuần được thực hiện với mục tiêu đạt được tấm vé tán thành của những đảng viên bảo thủ.

Nhiều rắc rối đang chực chờ

Ông McCarthy cần thêm nhiều thời gian giải quyết cơn ác mộng Hạ viện khi bản thân ông đã cam kết rằng những đảng viên bảo thủ cứng rắn có thể lập quy. Theo đó, họ có thể định hình các quy tắc tại Hạ viện từ khi nó vừa được đưa ra, đồng thời loại bỏ các đề xuất không có lợi ngay từ “trong trứng nước”.

Trần nợ trước mắt

Mọi thứ ngày càng trở nên khó khăn hơn khi ông McCarthy cần đàm phán với Tổng thống Joe Biden các đảng viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện. Đồng thời, nhiệm vụ khó khăn đặt ra cho tân Chủ tịch Hạ viện là phải xoa dịu cả hai phe - những người có thể đẩy ông khỏi quyền lực bất cứ lúc nào.

 

Vấn đề trần nợ tiếp tục được đặt nặng trong quyền hạn của ông McCarthy. Ảnh: AFP

Nghị sĩ Chip Roy của bang Texas muốn Đảng Cộng hòa tại Hạ viện theo đuổi định hướng độc lập về ngân sách trong 2 năm tới. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo đảng làm việc nhanh chóng và hoà hợp để tìm ra con đường nâng trần nợ ngay lập tức.

Lượt xem: 3
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết