• :
  • :

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập BRICS?

Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo ý định gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) trong bối cảnh quá trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ankara vẫn còn gian nan.

Theo RT, trong chuyến thăm gần đây tới Trung Quốc, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết, nước này mong muốn trở thành thành viên của BRICS. Nga, nước đang giữ chức Chủ tịch BRICS năm 2024, đã hoan nghênh sự quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với BRICS. Ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga cho biết, chủ đề về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh BRICS do Nga chủ trì tại thành phố Kazan vào tháng 10 tới .

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi năm 2018. Ảnh: Anadolu 

Việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn trở thành thành viên BRICS diễn ra khi quá trình gia nhập EU của nước này gặp nhiều trở ngại do vấp phải sự phản đối của một số nước thành viên trong khối. Thổ Nhĩ Kỳ đã được cấp tư cách ứng cử viên EU vào năm 1999. Tuy nhiên, sau 25 năm, nước này vẫn đứng ngoài EU. Do đó, theo Ngoại trưởng Fidan, Ankara phải tìm kiếm giải pháp thay thế và không thể bỏ qua BRICS, một nền tảng hợp tác quan trọng. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã chú ý tới BRICS. Vào tháng 7-2018, nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở thành phố Johannesburg (Nam Phi), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bày tỏ sự quan tâm đến BRICS.

Được thành lập vào năm 2006, BRICS hiện có 10 thành viên, gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Ethiopia. Quá trình mở rộng BRICS vẫn đang tiếp tục diễn ra. Hiện có hơn 40 quốc gia mong muốn gia nhập khối. Trong phiên họp toàn thể gần đây của Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước BRICS đã vượt qua các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), bao gồm: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy.

Trang tin news.az của Azerbaijan đưa ra một số lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị BRICS hấp dẫn. Lý do đầu tiên là tiềm lực kinh tế của khối này. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở châu Âu đang chậm lại, các nước BRICS mang đến những cơ hội hợp tác và phát triển mới. Giảm sự phụ thuộc vào phương Tây cũng là một lý do quan trọng. Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc về kinh tế và chính trị vào các nước phương Tây, đặc biệt sau nhiều thời điểm căng thẳng trong quan hệ với EU và Mỹ. Tư cách thành viên BRICS sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập hơn và đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế. Điều này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ giảm rủi ro liên quan đến sự phụ thuộc vào một hoặc một số đối tác thương mại, thúc đẩy việc mở rộng xuất khẩu và thu hút đầu tư. Ngoài ra, đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể là một lý do. Việc BRICS tích cực đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của nước này. Tiếp cận công nghệ mới cũng là một khía cạnh quan trọng khác. Hợp tác với các nước có trình độ công nghệ tiên tiến như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận được các công nghệ mới, qua đó tác động tích cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế trọng điểm. Ngoài ra, tư cách thành viên BRICS có thể góp phần tăng cường sự ổn định tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tiếp cận các nguồn tài chính do các nước thành viên cung cấp. Cuối cùng, sự hỗ trợ chính trị mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhận được từ các nước BRICS cũng đóng một vai trò quan trọng. Hợp tác với các nước như Trung Quốc và Nga có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường vị thế trên trường quốc tế.

Trao đổi với RT, chuyên gia về Trung Đông Alexander Vavilov, Giáo sư tại Đại học quốc gia Moscow, cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS được quyết định bởi sự đánh giá đúng đắn của lãnh đạo nước này về tình hình địa chính trị trên thế giới. Ông Vavilov nhấn mạnh: “BRICS đã trở thành một khối có ảnh hưởng rất lớn. Giờ đây, nhiều quốc gia xếp hàng để tham gia BRICS. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã có cái nhìn thực tế về sự phát triển của thế giới hiện đại. Thổ Nhĩ Kỳ, xét về mặt địa chính trị, khá gần gũi với BRICS và quyết định này không thể gọi là bất ngờ”. Ông Vavilov cũng lưu ý, quyết định gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ khá đặc biệt vì nước này là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều này sẽ tạo ra xung đột lợi ích nhất định. Tuy nhiên, theo ông, lối thoát cho vấn đề này sẽ được tìm thấy.

LÂM ANH

Lượt xem: 2
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết