• :
  • :

Quốc hội thông qua dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 Hà Nội: Dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2027

Sáng 16-6, với hơn 95% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, Nghị quyết đã quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (sau đây gọi là Dự án).

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 85.813 tỷ đồng, đưa vào khai thác từ năm 2027

Nghị quyết nêu rõ mục tiêu: Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Về phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư, Nghị quyết quyết nghị đầu tư khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Trọng Hải 

Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 1.341 ha, trong đó: Đất trồng lúa khoảng 816 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258 ha, đất dân cư khoảng 58 ha và đất khác khoảng 209 ha. Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 85.813 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng; nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 là 14.506 tỷ đồng; vốn do nhà đầu tư thu xếp là 29.447 tỷ đồng.

Nghị quyết cũng nêu rõ về tiến độ của Dự án: Chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Năm 2027 cần thiết phải đưa Dự án vào khai thác để giảm tải cho hệ thống giao thông nội đô 

Trước đó, trong quá trình thảo luận về Dự án, một số ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá tác động về kinh tế - xã hội Dự án đối với Thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Cũng có ý kiến đề nghị báo cáo làm rõ tình hình thực hiện các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5 và Vành đai 3,5 của Thành phố Hà Nội, để làm rõ hơn tính cấp bách của Dự án, tránh dẫn đến đầu tư dàn trải, lãng phí.

Tại phiên họp, giải trình thêm về nội dung này, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Hiện nay, 5 tuyến vành đai nằm trong khu vực đô thị trung tâm Thành phố Hà Nội, bao gồm: Vành đai 1; Vành đai 2; Vành đai 2,5; Vành đai 3 và Vành đai 3,5.

Theo báo cáo của Chính phủ, các tuyến vành đai này trong giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản sẽ hình thành và thông tuyến được khoảng 154km/179km (đạt khoảng 86%) của 5 tuyến đường vành đai, đối với các đoạn còn lại, hiện nay TP Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện để sớm hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai này.

Tuy nhiên, theo kết quả dự báo nhu cầu vận tải, hệ thống hạ tầng nội đô chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải, đến năm 2027 cần thiết phải đưa Dự án đường Vành đai 4 vào vận hành khai thác để giảm tải cho hệ thống giao thông nội đô và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của khu vực Vùng Thủ đô theo quy hoạch.

“Do đó, việc sớm đầu tư tuyến Vành đai 4 sẽ từng bước giúp khai thác đồng bộ với các tuyến đường vành đai khác để bảo đảm các mục tiêu phát triển của Thành phố và Vùng Thủ đô”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

THẢO PHƯƠNG

Tags: qdnd