Nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine
Trong nỗ lực thúc đẩy việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lần đầu tiên “sắm vai” nhà trung gian hòa giải khi đề nghị cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống hai nước Nga và Ukraine.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đề nghị tổ chức cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky |
Nhà trung gian hòa giải Liên hợp quốc
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric ngày 21-4 cho biết, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đề nghị các cuộc gặp riêng rẽ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Thủ đô của hai nước này. Đề nghị làm nhà trung gian hòa giải của người đứng đầu tổ chức Liên hợp quốc được đưa ra trong 2 bức thư trao cho 2 phái đoàn thường trực của Nga và Ukraine tại Liên hợp quốc, trong đó đề nghị Tổng thống Vladimir Putin gặp ông Antonio Guterres ở Matxcơva và gặp ông Volodymyr Zelensky ở Kiev.
Đây là lần đầu tiên Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres liên lạc với phía Nga và đề nghị cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine đang gây những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ với hai nước Nga, Ukraine cũng như châu Âu mà với toàn thế giới. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã không tìm cách liên lạc với Tổng thống Vladimir Putin kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Lên tiếng về đề nghị gặp riêng với hai Tổng thống Nga và Ukraine, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc dẫn lời ông Antonio Guterres cho biết, vào thời điểm nguy hiểm và gây hậu quả to lớn này, người đứng đầu tổ chức Liên hợp quốc muốn thảo luận về những bước đi khẩn cấp để “mang lại hòa bình cho Ukraine và tương lai của chủ nghĩa đa phương dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật quốc tế”. Ông Stephane Dujarric cho biết thêm, vào ngày 19-4 vừa qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã kêu gọi Nga và Ukraine ngừng bắn trong 4 ngày nhân dịp lễ Phục sinh của Cơ đốc giáo vì lý do nhân đạo, cho phép dân thường rời khỏi các vùng xung đột và viện trợ nhân đạo cho những nơi bị tàn phá nặng nề.
Đề nghị làm trung gian hòa giải được Tổng thư ký Liên hợp quốc đưa ra khi mà cuộc xung đột tại Ukraine sắp bước sang tháng thứ 3 với những tổn thất nghiêm trọng cho cả Nga và Ukraine về vật chất cũng như sinh mạng. Hiện thương vong của hai phía trong cuộc xung đột chưa có con số chính thức được kiểm chứng độc lập. Tuy nhiên, con số này chắc chắn rất lớn nếu nhìn vào các điểm xung đột ác liệt như tại thành phố cảng Mariupol. Theo các thông tin từ giới chức Liên hợp quốc, con số thương vong trong cuộc xung đột ở Ukraine lên tới hàng nghìn người tử vong, hàng chục nghìn người bị thương.
Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksander Kubrakov ngày 18-4 vừa qua cho biết, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã làm hư hỏng hay phá hủy 30% cơ sở hạ tầng của Ukraine, với thiệt hại lên đến 100 tỷ USD. Trong khi đó, ngoài những tổn thất trực tiếp trong xung đột, nền kinh tế Nga cũng bị thiệt hại nghiêm trọng bởi lệnh trừng phạt “chưa từng thấy” của Mỹ và phương Tây.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ, cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay đang tác động đến tình hình lương thực, năng lượng và tài chính của thế giới. Theo đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine đang “đẩy nhanh cuộc khủng hoảng theo 3 chiều là lương thực, năng lượng và tài chính, gây nguy hiểm cho những người dân, quốc gia và nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”. Vì thế, theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, điều quan trọng nhất lúc này là cuộc xung đột tại Ukraine phải kết thúc và không chỉ các bên trực tiếp trong cuộc xung đột mà cộng đồng thế giới cần cùng chung nỗ lực để thúc đẩy đối thoại, giải quyết vấn đề Ukraine bằng đàm phán hóa bình.
Giải pháp đúng đắn cho cuộc khủng hoảng Ukraine
Không lâu sau khi cuộc xung đột xảy ra ngày 24-2-2022, Nga và Ukraine đã mở vòng đàm phán đầu tiên vào ngày 28-2. Sau đó, hai bên liên tiếp tổ chức các vòng đàm phán cả trực tiếp và trực tuyến nhằm sớm chấm dứt chiến sự, ký kết một hiệp ước hòa bình dưới sự chứng kiến trực tiếp của Tổng thống hai nước Nga và Ukraine.
Trong đó, tới vòng đàm phán trực tiếp tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29-3 đang mang lại những tín hiệu tích cực. Trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Medinsky, Trưởng phái đoàn Nga tham gia hòa đàm, cho biết kết quả cuộc đàm phán với Ukraine diễn ra cùng ngày tại thành phố Istanbul “mang tính xây dựng”.
Phía Nga đã đưa ra hai biện pháp mà nước này cho là quan trọng nhằm làm giảm căng thẳng, bao gồm đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga - Ukraine, đồng thời giao Bộ Ngoại giao hai nước hướng tới việc ký kết một hiệp ước hòa bình. Đề xuất thứ hai là quân đội Nga giảm mạnh các hoạt động tại Thủ đô Kiev và khu vực miền Bắc của Ukraine.
Ngoài những đề xuất hạ nhiệt căng thẳng do phía Nga đưa ra, Trưởng đoàn đám phán của Nga Vladimir Medinsky cho biết, phái đoàn Nga đã nhận được đề xuất bằng văn bản của phía Ukraine về một thỏa thuận giữa các bên “được xây dựng một cách rõ ràng”. Trong đó, đề cập tới lệnh cấm sản xuất, triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời cấm các hoạt động triển khai căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine. Phát biểu với hãng thông tấn Nga TASS, ông Vladimir Medinsky còn cho biết, lập trường của Ukraine cũng hàm ý từ bỏ việc sử dụng sức mạnh quân sự để giành lại hai vùng lãnh thổ Crimea và Sevastopol.
Trong khi đó, ông Alexander Chaly - thành viên trong phái đoàn đàm phán Ukraine - cho biết, phía Ukraine đã chấp thuận quy chế phi hạt nhân và trung lập hóa nếu nhận được những bảo đảm nhất định về an ninh. Ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn Tổng thống kiêm nhà đàm phán của Ukraine, cũng cho rằng, kết quả của vòng đàm phán tại Istanbul đã “đủ” để tiến hành một cuộc gặp giữa Tổng thống hai nước.
Thế nhưng, sau những tín hiệu tích cực từ vòng đàm phán tại Istanbul, hai bên Nga và Ukraine không có vòng đàm phán nào tiếp theo, thay vào đó là xung đột tiếp diễn, nhất là sau khi Nga tập trung vào điều mà nước này gọi là giai đoạn hai của “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine nhằm “giải phóng” Donetsk và Luhansk. Đây là hai khu vực mà lực lượng ly khai đã tuyên bố thành lập các nước cộng hòa.
Khi cuộc xung đột tại Ukraine sắp bước sang tháng thứ 3, có thế thấy rõ một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán hòa bình, chứ không phải xung đột mới là giải pháp đúng đắn cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Cùng với đề nghị làm trung gian hòa giải của Tổng thư ký Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Tổng thống nước này Tayyip Erdogan có kế hoạch tiến hành điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong nỗ lực để đạt được một lệnh ngừng bắn bền vững ở Ukraine.