• :
  • :

Nỗ lực thúc đẩy mục tiêu “quốc gia năng lượng sạch” của Ấn Độ

Ấn Độ đang không ngừng đổi mới, cải tiến công nghệ và kêu gọi đầu tư cho ngành năng lượng sạch trong nước để hiện thực hóa các cam kết về khí hậu.

Trở thành một nền kinh tế phát triển nhanh hàng đầu thế giới, Ấn Độ có nhu cầu rất lớn về năng lượng trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Trên con đường đó, đất nước Nam Á này là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 thế giới.

Tuy nhiên, khi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (BĐKH) đang hiện lên ngày càng rõ nét trên toàn cầu, Ấn Độ cũng là nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn thứ 3 vào năm 2020 sau khi đạt 38% công suất điện từ các nguồn tái tạo. Quy mô chuyển đổi này đầy hứa hẹn trong bối cảnh New Delhi vẫn phụ thuộc vào than đá và dầu mỏ để tăng trưởng và hiện đại hóa công nghiệp.

Công nhân tiến hành vệ sinh các tấm pin mặt trời ở bang Haryana, Ấn Độ.  Ảnh: Eco Business 

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) từng đánh giá sự tăng trưởng của ngành năng lượng tái tạo của Ấn Độ là rất ấn tượng và nhận định nước này đang trên lộ trình dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực như năng lượng mặt trời và pin trong những thập niên tới.

Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu giảm 45% lượng khí thải đến năm 2030 bằng cách bổ sung 500GW năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia. Thực tế nước này đã vượt mức cam kết của mình tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP21) khi đáp ứng gần 40% công suất điện từ nhiên liệu không hóa thạch trước thời hạn khoảng 9 năm.

Thành tựu này một lần nữa được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra ở Đức mới đây.

“Khi một quốc gia lớn như Ấn Độ thể hiện tham vọng như vậy, các quốc gia đang phát triển khác cũng được truyền cảm hứng”, Thủ tướng Modi nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi các quốc gia G7 đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch của nước này. Được biết, New Delhi cũng ủng hộ đề xuất của Mỹ và Đức về thiết lập quan hệ đối tác Ấn Độ-G7 để tài trợ và hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Ấn Độ từ nền kinh tế dựa trên hóa thạch sang nền kinh tế không có carbon.

So với những nền kinh tế phát thải lớn khác, Ấn Độ đặt thời hạn muộn nhất (năm 2070) cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0, trong khi Trung Quốc ấn định vào năm 2060 còn Mỹ và Liên minh châu Âu là năm 2050. Tuy nhiên, không vì thế mà Ấn Độ chậm trễ trong quá trình thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch nhằm hướng tới tăng trưởng xanh, lối sống bền vững.

Đơn cử, nước này đã đạt mục tiêu pha trộn 10% ethanol vào xăng sớm hơn 5 tháng so với mục tiêu đề ra, đưa vào khai thác sân bay đầu tiên trên thế giới vận hành hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời, hay có hệ thống đường sắt khổng lồ dự kiến sẽ đạt được phát thải ròng bằng 0 trong ít năm tới.

Quốc gia Nam Á cũng lên kế hoạch sản xuất 5 triệu tấn hydro xanh lũy kế đến năm 2030, qua đó trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu nguồn nhiên liệu sạch này.

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm 2023, đồng nghĩa với việc nước này có thể trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhiều khả năng chỉ đạt 3,6%.

Đồng thời, một khi hoàn thành mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070, Ấn Độ sẽ củng cố vị trí của mình như nhà tiên phong về mô hình phát triển kinh tế mới, có khả năng loại bỏ các phương pháp sử dụng nhiều carbon, đồng thời hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm cho các quốc gia khác.

Tuy nhiên, Ấn Độ cũng sẽ gặp phải những thách thức không nhỏ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển năng lượng sạch. Hiện Ấn Độ cũng là nhà nhập khẩu năng lượng lớn thứ 3 thế giới, trong đó khoảng 80% lượng dầu mỏ tiêu thụ được nhập khẩu. Ngoài ra, nhiều nơi ở Ấn Độ vẫn tiếp tục sử dụng nhiên liệu nấu ăn truyền thống.

Chuyên gia Nandini Das tại tổ chức phi lợi nhuận về khí hậu Climate Analytics (Đức) nhận định, các mục tiêu đầy tham vọng của New Delhi vẫn chưa đủ quyết liệt để giúp thế giới đáp ứng các mục tiêu khí hậu cao nhất. Theo bà, để tạo ra những thay đổi lớn hơn và nhanh hơn, Ấn Độ cần đến sự trợ giúp về công nghệ và tài chính. Trước mắt, Ấn Độ phải có một khoản đầu tư từ 225 đến 250 tỷ USD để thực hiện những mục tiêu khí hậu đặt ra đến cuối thập kỷ này.

VĂN HIẾU

Tags: qdnd