• :
  • :

Xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Sáng 6-7, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm của Nhật Bản và gợi ý chính sách cho Việt Nam trong xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Ông Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội thảo.

Nói về lộ trình, trách nhiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn, theo ông Lại Văn Mạnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trước ngày 31-12-2023; xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; ban hành khung hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn.

Các bộ, UBND tỉnh cũng đang xây dựng kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn. Tổ chức áp dụng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải theo kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn; tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật; quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu thực hiện kinh tế tuần hoàn và tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

leftcenterrightdel

Toàn cảnh hội thảo. 

Về phía doanh nghiệp, người dân áp dụng các giải pháp giao thông thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Tận dụng diện tích mái nhà để phát triển năng lượng mặt trời áp mái. Thu gom, dự trữ để tái sử dụng nước mưa; thu hồi tái sử dụng nước thải sau xử lý. Thực hiện các giải pháp về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn sớm hơn lộ trình được xác định trong kế hoạch hành động của Nhà nước.

Gợi ý về chiến lược tuần hoàn tài nguyên cho ngành nhựa, ông Ichiro Adachi, chuyên gia của JICA cho rằng: Việt Nam cần giảm việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần; có hệ thống tái chế bền vững, thúc đẩy nhựa sinh học; ngăn chặn rác thải nhựa trong môi trường; thúc đẩy đổi mới và đầu tư theo hướng các giải pháp tuần hoàn.

leftcenterrightdel

Ông Ichiro Adachi, Cố vấn quản lý môi trường của JICA chia sẻ tại hội thảo. 

Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản cũng đã chia sẻ các kinh nghiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Nhật Bản và một số nước trên thế giới. Từ đó, các chuyên gia kiến nghị, cần sự chung tay của tất cả các bên liên quan từ chính phủ, doanh nghiệp, người dân trong việc thúc đẩy triển khai kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, việc tổ chức các cuộc đối thoại giữa khối công và tư là rất cần thiết để triển khai kinh tế tuần hoàn trong tất cả các hoạt động của đời sống. Cần có các quy định pháp luật cụ thể về quản lý chất thải.

Tin, ảnh: LA DUY

 

Tags: qdnd