• :
  • :

Mỹ ngỏ ý muốn tái gia nhập UNESCO

Gần 6 năm kể từ khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), mới đây, Mỹ thông báo nước này muốn tái gia nhập tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp).

Tờ The Hill đưa tin, chính quyền của đương kim Tổng thống Joe Biden đã thông báo với UNESCO rằng Mỹ quan tâm tới việc tái gia nhập tổ chức này. Tờ The Washington Post cho biết thêm, cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi một lá thư cho Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay. Trong thư, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Verma đã đề xuất một kế hoạch nhằm đưa Mỹ trở lại tổ chức này sau gần 6 năm vắng mặt.

“Bất cứ hành động nào như vậy đều cần có sự đồng thuận từ các thành viên hiện tại của UNESCO và chúng tôi hiểu rằng, Ban lãnh đạo UNESCO sẽ chuyển đề xuất của chúng tôi tới các thành viên trong những ngày sắp tới”, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ trong một thông báo.

Mặc dù nội dung chi tiết của đề xuất vẫn chưa được công bố nhưng tờ The Hill dẫn một nguồn tin cho biết đề xuất này đã được Bộ Ngoại giao Mỹ và UNESCO thảo luận, trong đó có đề cập đến thời gian biểu mà Mỹ phải thanh toán khoản nợ cho UNESCO.

 Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay thông báo về việc Mỹ muốn tái gia nhập tổ chức này trong phiên họp của UNESCO ở Paris (Pháp), ngày 12-6.

Đầu năm nay, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã quyết định dành ra 150 triệu USD trong kế hoạch ngân sách hiện tại để trả cho UNESCO. Hãng tin Axios cho biết, năm ngoái, các nhà lập pháp của Mỹ cũng đã thông qua một dự luật, trong đó phân bổ hơn 500 triệu USD để trả nợ cho UNESCO trong nỗ lực đưa Mỹ trở lại làm thành viên đầy đủ của UNESCO.

Từ năm 2011, Mỹ bắt đầu dừng các khoản đóng góp cho UNESCO. Tính đến thời điểm đó, Washington đã đóng góp khoảng 22% ngân sách hằng năm của UNESCO, tương đương 80 triệu USD.

Website của kênh truyền hình NHK dẫn một số nguồn tin cho biết, dự kiến, UNESCO sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường ngay tại trụ sở của tổ chức này ở thủ đô Paris (Pháp) để chính thức thông báo về đề xuất tái gia nhập của phía Mỹ.

AP nhận định quan hệ giữa Mỹ và UNESCO đã trải qua 4 thập kỷ đầy sóng gió bởi nhiều vấn đề. Năm 1983, Tổng thống Ronald Reagan đã quyết định rút Mỹ khỏi UNESCO, song đến năm 2002, Washington đã tái gia nhập tổ chức này dưới thời Tổng thống George W.Bush. Tiếp đó, năm 2017, Tổng thống Donald Trump lại tuyên bố rút Mỹ khỏi UNESCO với lý do tổ chức này có lập trường chống Israel.

Theo AFP, đầu năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng từng tuyên bố rằng nước Mỹ có ý định trở lại UNESCO. Ông nói: "Tôi tin rằng chúng ta nên quay lại UNESCO một lần nữa, không phải như một món quà cho UNESCO mà bởi vì những gì đang diễn ra tại tổ chức này thực sự quan trọng".

Trước đó, hồi năm ngoái, Israel thông báo với Bộ Ngoại giao Mỹ rằng nước này sẽ không phản đối nếu Mỹ tái gia nhập UNESCO.

Hãng tin Axios cho rằng việc đưa Mỹ trở lại UNESCO là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden đặt ra. Thực tế cho thấy, ngay từ khi mới lên nắm quyền, chính quyền của ông Joe Biden đã bày tỏ ý định tái gia nhập UNESCO. Axios cũng dẫn một nguồn tin cho rằng Mỹ muốn tái gia nhập UNESCO và bắt đầu trả các khoản phí ngay từ bây giờ nhằm tranh cử một ghế trong ban điều hành của tổ chức này trong cuộc bầu cử diễn ra vào cuối năm 2023.

Gần đây, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Bas cũng chia sẻ rằng, theo quan điểm của ông, nước Mỹ không thể vắng mặt lâu hơn nữa tại UNESCO-một trong những diễn đàn then chốt tạo tiêu chuẩn đối với lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ.

NINH GIANG

Tags: UNESCO
Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết