• :
  • :

Khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022-2027

Trong hai ngày 28-29/11, phiên chính thức Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô.

Pano chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX trước trụ sở Trung ương GHPGVN - chùa Quán Sứ, Hà Nội. Nguồn ảnh: phatgiao.org.vn
Pano chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX trước trụ sở Trung ương GHPGVN - chùa Quán Sứ, Hà Nội. Nguồn ảnh: phatgiao.org.vn

Theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), sau 5 năm hoạt động, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự tổ chức Đại hội sẽ tổng kết, đánh giá thành tựu Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022), đồng thời hoạch định đề ra phương hướng hoạt động Phật sự, nhiệm vụ chiến lược phát triển Giáo hội trong 5 năm tiếp theo của nhiệm kỳ IX (2022-2027).

Đại hội lần thứ IX của GHPGVN có nhiệm vụ cử hành nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ và Hội đồng Chứng minh; suy cử Chủ tịch và Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ (2022-2027); nghi thức tấn phong giáo phẩm tại Đại hội; thực hiện nghi thức tuyên dương khen thưởng của Giáo hội và Nhà nước trao tặng các tập thể Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự và cá nhân chư tôn đức Tăng Ni, cư sĩ Phật tử thành viên Giáo hội.

Và một trong những nội dung quan trọng của Đại hội kỳ này là tiến hành tu chỉnh Hiến chương GHPGVN lần thứ 7 - cơ sở pháp lý cao nhất cho mọi hoạt động của GHPGVN.

Trước thềm Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, trả lời phỏng vấn truyền thông, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Thư ký Ban Chỉ đạo, Trưởng ban Nội dung Đại hội đã cho biết, mục đích của lần tu chỉnh Hiến chương lần này để Hiến chương thực sự phù hợp với các quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật Nhà nước liên quan, cũng như phù hợp với thực tiễn trong công tác điều hành Phật sự trong giai đoạn hiện nay.

Bản dự thảo Hiến chương tu chỉnh lần này gồm 14 chương và 86 điều, nhiều hơn Hiến chương GHPGVN hiện hành 1 chương và 15 điều.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự trực tiếp chỉ đạo Ban soạn thảo tu chỉnh Hiến chương từ rất sớm bắt tay vào công việc nghiên cứu, xin ý kiến góp ý rộng rãi của các Ban, Viện Trung ương; Ban Trị sự GHPGVN các cấp; Tăng Ni, Phật tử; các nhà nghiên cứu, chuyên môn về pháp luật, về quản lý nhà nước về tôn giáo từ đầu năm 2021.

Bản dự thảo Hiến chương GHPGVN lần này đã qua 3 lần xin ý kiến đóng góp và tiếp thu ý kiến góp ý của đông đảo chư tôn đức Tăng Ni và các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Hiến chương tu chỉnh lần này tập trung vào cơ cấu hệ thống tổ chức các cấp hành chính Giáo hội. Sửa đổi bổ sung cấp hành chính cơ sở. Sau khi tu chỉnh, Hiến chương GHPGVN sẽ có 4 cấp hành chính: GHPGVN cấp Trung ương (bao gồm: Hội đồng Chứng minh và các cơ quan của Hội đồng Chứng minh; Hội đồng Trị sự và các cơ quan của Hội đồng Trị sự); GHPGVN cấp tỉnh, thành phố (bao gồm: Ban Chứng minh; Ban Trị sự và các cơ quan của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố); GHPGVN cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (bao gồm: Ban Chứng minh; Ban Trị sự và các cơ quan của Ban Trị sự GHPGVN quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương); GHPGVN cấp cơ sở: Ban Quản trị cơ sở tự viện. Hiến chương tu chỉnh đã dành riêng một chương mới quy định về GHPGVN cấp cơ sở (Chương VIII).

Đặc biệt, Hiến chương tu chỉnh cũng có quy định cụ thể về tài sản của tổ chức tôn giáo trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tài sản của Tăng Ni.

Khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022-2027 ảnh 1

Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam diễn ra từ ngày 4 đến 7/11/1981, tại hội trường chùa Quán Sứ, 73 Quán Sứ, Hà Nội. Ảnh tư liệu Phật giáo Việt Nam

Lượt xem: 7
Tác giả: Hồng Minh