• :
  • :

Huy động mọi nguồn lực để Thủ đô Hà Nội bứt phá đi lên

Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn thúc đẩy việc ban hành Luật Thủ đô; với mục đích triển khai Luật Thủ đô một cách nhanh chóng, có lộ trình, hiệu quả, qua đó mở ra kỷ nguyên mới để Thủ đô Hà Nội bứt phá đi lên.

Sáng 14/11, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Tham dự hội thảo về phía Trung ương có: PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cùng các đồng chí trong Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan của Trung ương.

Về phía TP Hà Nội có: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của TP.

Huy động mọi nguồn lực để Thủ đô Hà Nội bứt phá đi lên
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết: Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15) bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực... cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.

Luật ra đời nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra của 3 Nghị quyết (Nghị quyết 15, Nghị quyết 06 và Nghị quyết 30 năm 2022) của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Luật Thủ đô được ban hành để quy định về các nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát triển Thủ đô Hà Nội, tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng Hà Nội thành một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

“Đây là luật có ý nghĩa đặc biệt vì Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa và kinh tế quan trọng của cả nước. Luật Thủ đô đã xóa nhiều rào cản hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, đồng thời khơi thông pháp lý để Thủ đô Hà Nội phát triển một cách bền vững và hiện đại”- PGS.TS Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Lê Hải Bình, Hội thảo “Triển khai Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15): Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động nhằm triển khai Luật Thủ đô của TP Hà Nội.

Hội thảo làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn thúc đẩy việc ban hành Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15); tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của Luật Thủ đô trong xây dựng và phát triển Thủ đô; nhận diện Luật Thủ đô trong bối cảnh mới, điều kiện mới, phân tích những cơ hội, thách thức đặt ra trong việc triển khai Luật Thủ đô; lộ trình, trách nhiệm, sự phối hợp của các cấp, các ngành và địa phương trong việc thi hành Luật Thủ đô thực hiện Luật Thủ đô trên các lĩnh vực, nội dung cụ thể.

Hội thảo đề xuất một số giải pháp tổ chức thi hành Luật Thủ đô bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển Thủ đô trong tình hình hiện nay.

Huy động mọi nguồn lực để Thủ đô Hà Nội bứt phá đi lên
PGS.TS Lê Hải Bình phát biểu đề dẫn hội thảo

Với mục đích triển khai Luật Thủ đô một cách nhanh chóng, có lộ trình, hiệu quả, qua đó mở ra kỷ nguyên mới để Thủ đô Hà Nội bứt phá đi lên, PGS.TS Lê Hải Bình đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ một số nội dung trọng tâm:

Đó là sự cần thiết của việc triển khai Luật Thủ đô một cách kịp thời, qua đó tạo cơ hội để Thủ đô Hà Nội có những chính sách “mở đường”, đột phá, vượt trội trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Đề xuất xây dựng một hệ thống các văn bản, quy định, giải pháp để cụ thể hoá các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Đồng thời, vừa nhấn mạnh tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành của đất nước, vừa làm rõ được những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô. Đây là yếu tố quyết định để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của việc triển khai thi hành Luật Thủ đô trong giai đoạn trước đây.

Bên cạnh đó, nêu các vướng mắc pháp lý có thể xảy ra, các “điểm nghẽn” cần được nhận thức, quán triệt và đồng lòng tháo gỡ… trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô...

PGS.TS Lê Hải Bình cũng mong muốn, từ kinh nghiệm quốc tế, các đại biểu gợi mở cho Hà Nội việc vận dụng những cơ chế, chính sách phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng của Thủ đô theo quy định của Hiến pháp năm 2013; giúp cho Thủ đô thực hiện hiệu quả, rõ nét hơn chức năng, nhiệm vụ không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về kinh tế, về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, đưa ra các cách thức khai thác hiệu quả các cơ chế đặc thù để luật Thủ đô đi vào cuộc sống, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển Thủ đô Hà Nội.

"Hội thảo cần đặt ra những vấn đề về phân cấp, ủy quyền (cách thức, lĩnh vực, cấp độ phân cấp, ủy quyền…) để bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có khảo sát, phân tích, đánh giá và tổng kết thực tiễn, đưa ra dự báo, đề xuất kiến nghị, giải pháp nhằm giải quyết tốt những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện Luật Thủ đô..." - PGS.TS Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 3
Tác giả: Tú Linh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...