• :
  • :

Hải quan Việt Nam: Huy động nguồn lực quốc tế cho chuyển đổi số

Thông qua các hoạt động hợp tác, Hải quan Việt Nam quan tâm tìm kiếm và huy động nguồn lực quốc tế cho quá trình phát triển chuyển đổi số, trong đó chú trọng đến lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và áp dụng các giải pháp công nghệ.

Một phiên làm việc tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33. (Nguồn: Thu Dịu)

Một phiên làm việc tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33. (Nguồn: Thu Dịu)

 

Đẩy mạnh hợp tác đa phương

Từ đầu năm 2024 đến nay, các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế tiếp tục được Hải quan Việt Nam chủ động triển khai mang lại hiệu quả rõ nét và mở ra những cơ hội hợp tác ở tầm cao mới. Thông qua các hoạt động, Hải quan Việt Nam quan tâm tìm kiếm và huy động nguồn lực quốc tế cho quá trình phát triển chuyển đổi số, trong đó chú trọng đến lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và áp dụng các giải pháp công nghệ.

Theo đó, Hải quan Việt Nam đặt mục tiêu thể hiện tốt vai trò Chủ tịch Diễn đàn hợp tác Hải quan ASEAN, thực hiện thông suốt việc tham vấn kỹ thuật về phân loại, trị giá, xuất xứ, sở hữu trí tuệ và các vấn đề nghiệp vụ với các cơ quan chuyên môn của các tổ chức quốc tế mà Hải quan Việt Nam là thành viên; tăng cường hợp tác với các cơ quan trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác như Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)... phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, phòng, chống ma túy và nâng cao năng lực cho các công chức Hải quan Việt Nam.

Đáng chú ý, Hải quan Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 vào tháng 6/2024 với sự tham gia của 118 đại biểu thuộc 10 cơ quan Hải quan nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và các đối tác của ASEAN. Ngoài các nội dung chính của hội nghị, Hải quan Việt Nam đã bố trí 25 phiên làm việc song phương bên lề giữa các nước thành viên và các nước đối tác cũng như với khu vực tư nhân. Hải quan Việt Nam cũng đã làm việc song phương với 5 đoàn hải quan và khu vực tư nhân.

Với vai trò là Chủ tịch Hải quan ASEAN nhiệm kỳ 2024 - 2025, Hải quan Việt Nam tiếp tục phát huy và nâng tầm tính tích cực và trách nhiệm để điều phối các cơ quan hải quan thành viên ASEAN, thúc đẩy việc triển khai các Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan (SPCD) đúng tiến độ; khuyến khích các nước tăng cường trao đổi, cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong quá trình thực tế triển khai, thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan Hải quan thành viên; tích cực phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tham vấn với các đối tác, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ phù hợp để triển khai các sáng kiến của Hải quan ASEAN, đặc biệt là đối với những nội dung mới nổi liên quan đến quản lý hải quan…

Không chỉ hợp tác trong khu vực ASEAN, Hải quan Việt Nam đã tổ chức hội đàm song phương với Cơ quan Bảo vệ biên giới Australia; đồng thời ký Kế hoạch hợp tác điều tra nhằm mục đích đấu tranh với các hoạt động thương mại bất hợp pháp như buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại, tập trung vào ma túy, thuốc lá, hàng có kiểm soát. Tổ chức đón và làm việc với đoàn chuyên gia cấp cao của Hải quan Hoa Kỳ đánh giá cảng Cát Lái phục vụ cho việc triển khai thí điểm trao đổi thông tin giữa một cặp cảng biển lớn của Việt Nam và Hoa Kỳ. Đồng thời, thăm và hội đàm song phương cấp cao giữa Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cao ủy Hải quan Hoa Kỳ...

Trong hợp tác đa phương, Hải quan Việt Nam đã triển khai, điều phối thực hiện các nghĩa vụ thành viên trong các thể chế đa phương như ASEAN, WCO, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) bảo đảm lợi ích của Việt Nam, góp phần tích cực vào quá trình cải cách hiện đại hóa hải quan theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả.

Thúc đẩy hợp tác với các đối tác quan trọng

Trong những tháng cuối năm và các năm tiếp theo, Hải quan Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin về chính sách pháp lý để hỗ trợ tạo thuận lợi thương mại, phối hợp điều tra, xác minh vi phạm để bảo đảm tuân thủ pháp luật hải quan, thúc đẩy các hoạt động hợp tác trao đổi thông tin nghiệp vụ hải quan với các đối tác quan trọng như Hoa Kỳ, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... để tìm hiểu về kinh nghiệm xử lý thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và các công nghệ ứng dụng trong thông quan hàng hóa; kinh nghiệm phát hiện các vi phạm hải quan và công nghệ ứng dụng trong việc phát hiện các vi phạm hải quan; tăng cường hợp tác với hải quan các nước về chuyển đổi số, hợp tác triển khai mô hình cửa khẩu thông minh với Hải quan Trung Quốc.

Hải quan Việt Nam cũng sẽ hoàn tất hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đàm phán Hiệp định về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Ả rập-Xê út; ký Hiệp định về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa Việt Nam và Chính phủ Nhà nước Qatar. Trình Bộ Tài chính phê duyệt Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên với Hàn Quốc.

Đồng thời, tích cực tham gia và thực hiện vai trò Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật thường trực (PTC) Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), tham gia xây dựng kế hoạch cải cách hiện đại hóa của WCO; tham gia các cuộc họp nhóm làm việc ASEAN; tham gia Phiên họp lần thứ hai của Tiểu ban các vấn đề về hải quan (APEC SCCP2) tại Peru. Triển khai các chương trình hợp tác với các đối tác như Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) về tập trung nâng cao năng lực trong lĩnh vực kiểm soát cảng biển và cảng hàng không; INCB về nghiên cứu và xem xét việc triển khai mô hình trung tâm xác định trọng điểm về ma túy theo đúng kế hoạch và gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của ngành…

Lượt xem: 3
Tác giả: T.Công