• :
  • :

Hai mũi nhọn ở Trung đoàn 165

Trong Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị và báo cáo viên giỏi năm 2022 do Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312) tổ chức làm trước để rút kinh nghiệm trong Quân đoàn 1 vào ngày 12 và 13-5, ban tổ chức đã chọn được hai nhân tố để trao giải nhất. Điều đáng nói là cả hai cán bộ này đều thuộc thế hệ 9x. Trong công tác, họ đã bám sát thực tế, vận dụng nhuần nhuyễn lý luận vào thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm để “thổi lửa”, xây dựng niềm tin cách mạng cho bộ đội.

Mũi nhọn biệt danh “cú đêm”

Thượng úy Trần Văn Cường, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 5 được trao giải nhất trong cuộc thi ở cấp cán bộ tiểu đoàn và trở thành một trong những mũi nhọn mới về tiến hành công tác tư tưởng ở đơn vị. Tại hội thi, các giám khảo rất ấn tượng với nội dung thuyết trình của “báo cáo viên” Trần Văn Cường cho đối tượng cán bộ, đảng viên thông qua chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc". Đây là nội dung khó vì đó là vấn đề lần đầu tiên được cập nhật trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Cường đã khái quát các vấn đề ngắn gọn, đưa ra cơ sở lý luận, thông tin thực tiễn để chứng minh quan điểm của Đảng. Các giám khảo đã rất ấn tượng với phương pháp thuyết trình tự tin, chuyên nghiệp, lúc mạnh mẽ, dồn dập, nhưng có lúc xuống giọng nhẹ nhàng của Cường. Trong suốt 20 phút thuyết trình, Cường đã “làm chủ tình hình”, thu hút được sự chú ý của người nghe, đồng thời định hướng tư tưởng, liên hệ thực tiễn trách nhiệm, nhiệm vụ, từ đó xây dựng động cơ, động lực phấn đấu cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở.  

Thượng úy Trần Văn Cường, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 5. Ảnh: LÊ HOÀNG

Cách đây vài tháng, trong một lần xuống Tiểu đoàn 5 nắm tình hình, trò chuyện với đội ngũ cán bộ ở đây tôi thấy có người gọi Thượng úy Trần Văn Cường là “cú đêm”. Đồng chí chính trị viên rỉ tai tôi, cậu ấy “cày ngày chưa đủ nên tranh thủ cày đêm”. Nhiều đêm phòng cậu ấy sáng điện mà chẳng biết làm gì. Hỏi thì bảo là đọc sách.

Lạ, cán bộ quê ở đất Cố đô Hoa Lư đẹp trai nhất nhì trung đoàn, chưa lấy vợ mà lại mang tên xấu hết phần người khác. Hay là cậu ta có vấn đề gì về tư tưởng nhỉ? Tôi báo cáo với Trung tá Lê Văn Vũ, Chủ nhiệm chính trị trung đoàn và đề xuất gặp gỡ. Phải phanh cái tật thức đêm của cậu ta lại mới bảo đảm sức khỏe công tác, theo bộ đội ra thao trường. Kết quả buổi gặp là tôi hiểu hơn về mục đích thức đêm của Cường. Thì ra Cường tìm kiếm thông tin để bổ sung vào bộ sưu tập 100 trò chơi quân sự đã sưu tầm trước đó. Mục đích của Cường là để làm phong phú hơn hoạt động cổ vũ thao trường trong huấn luyện, tạo cho bộ đội tâm lý vui vẻ trong học tập.

Thấu hiểu từ lắng nghe

Tại Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị và báo cáo viên giỏi năm 2022, Trung úy Bùi Xuân Anh, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 4 được trao giải nhất cấp đại đội. Cũng như trường hợp của Thượng úy Trần Văn Cường đã kể ở trên, từ đây Xuân Anh đã trở thành một trong những mũi nhọn tiến hành công tác tư tưởng ở đơn vị chúng tôi.

Trong hội thi, Xuân Anh đã thuyết phục ban giám khảo khi có cách tổ chức sinh hoạt đại đội khá mới mẻ, khác với cách làm truyền thống vốn có. Cũng phải nói thêm rằng, đây là nội dung mới mà Trung đoàn 165 đưa vào thi so với các năm trước. Trong thời gian một giờ, thí sinh phải quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ hiểu nội dung mà ban tổ chức đưa ra.

Trung úy Bùi Xuân Anh, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 4  (thứ ba, từ trái qua) cùng chiến sĩ nghỉ giải lao sau giờ lên lớp chính trị. Ảnh: LÊ HOÀNG 

Xuân Anh tâm sự, sau 4 năm ra trường và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ công tác tư tưởng cho bộ đội đã rút ra được kinh nghiệm quý, đó là: Không nói dài, tập trung vào vấn đề chính. Tuy nhiên, để bộ đội nâng cao được ý thức và quán triệt được những vấn đề chỉ huy gửi gắm thì cần lắng nghe bộ đội. Trước khi vào sinh hoạt, Xuân Anh khơi gợi bộ đội hướng vào các nội dung, nêu các câu hỏi nhận thức. Với vốn kiến thức sẵn có, bộ đội sẽ trả lời các câu hỏi ấy, cuối cùng Xuân Anh kết luận vấn đề và định hướng tư tưởng bộ đội.

Theo Chính trị viên Xuân Anh, ưu điểm của phương pháp này là bộ đội tập trung sức chú ý, tập trung suy nghĩ một vấn đề rồi sôi nổi, hào hứng bàn luận trả lời, phân tích, lý giải theo cách hiểu. Nếu người chủ trì chuẩn bị tốt nội dung, tổng hợp nhanh, kỹ những ý kiến của bộ đội thì sẽ đưa nội dung cần truyền đạt, cần quán triệt ngấm vào bộ đội nhanh, kỹ càng. Một ưu điểm nữa trong phương pháp của Xuân Anh áp dụng là giúp mối quan hệ cán-binh thêm thân mật, gắn bó bởi không khí làm việc dân chủ. “Muốn hiểu bộ đội, muốn hiểu chiến sĩ, muốn để chiến sĩ tin thì phải tôn trọng họ, lắng nghe họ. Với họ, dùng mệnh lệnh cứng nhắc sẽ chỉ nhận được kết quả trước mắt chứ không phải là những việc xuất phát từ nhận thức, từ trái tim và thành nền nếp”,  Trung úy Bùi Xuân Anh bày tỏ.

Để chứng minh cho những kinh nghiệm đúc rút như đã nói ở trên, Xuân Anh đưa tôi đến gặp Binh nhì Nguyễn Đức Chung, chiến sĩ Trung đội 2. Trên đường đi, Xuân Anh chia sẻ: Lúc mới vào đơn vị, Chung thường ngồi hút thuốc một mình, mặt thất thần lo lắng. Tìm hiểu ra thì mới biết, bố mẹ ly hôn và Chung phải sống với bà ngoại hơn 70 tuổi. Trước khi nhập ngũ, sức khỏe vợ sắp cưới cũng có vấn đề nên Chung buồn và nung nấu ý định xin ra quân. Gặp chúng tôi, Chung thổ lộ, nhờ có Chính trị viên Xuân Anh giúp đỡ, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, động viên nên Chung đã kiên định phấn đấu để hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Chung bày tỏ: “Lúc ấy em bị ám ảnh bởi suy nghĩ không làm tròn bổn phận chỗ dựa cho người thân đang gặp khó khăn”.

VŨ HÙNG

 

Tags: qdnd
Lượt xem: 102
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết