Hà Nội dẫn đầu danh sách số lượng nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu
Theo danh sách của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội dẫn đầu về số lượng nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.
Hà Nội là địa phương sở hữu nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể lớn nhất cả nước; đồng thời, cũng là địa phương có nhiều nghệ nhân được phong tặng danh hiệu cao quý nhất. Đội ngũ nghệ nhân và những người trực tiếp trông coi di tích, những cán bộ làm công tác di sản là những người có đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn, truyền dạy và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đăng tải danh sách kết quả họp Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Danh sách gồm 71 hồ sơ xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" và 600 hồ sơ xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", thuộc các loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Ngữ văn dân gian; Tri thức dân gian; Tiếng nói, chữ viết; Lễ hội truyền thống. Thành phố Hà Nội tiếp tục dẫn đầu danh sách về số lượng nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu, gồm 11 "Nghệ nhân nhân dân" và 60 "Nghệ nhân ưu tú".
Đây là những hồ sơ đạt từ 90% số phiếu thành viên đồng ý trở lên của tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét đề nghị Chủ tịch nước tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Theo danh sách đăng tải của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu về số lượng nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu, gồm 11 "Nghệ nhân nhân dân" và 60 "Nghệ nhân ưu tú".
Trong đó, danh sách các nghệ nhân được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân của Hà Nội gồm có: Bùi Thế Kiên, Phan Thị Dung, Nguyễn Thị Tam, Lưu Ngọc Đức, Bùi Quốc Thi, Nguyễn Thị Lan, Ngô Văn Đảm, Chu Tiến Công, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Hữu Kiêm, Phạm Thị Tuyết.
Việc lấy ý kiến góp ý rộng rãi sẽ kéo dài đến hết ngày 21.1.2022. Sau đó, Hội đồng cấp Nhà nước sẽ hoàn thiện, chỉnh sửa (nếu có) danh sách, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.